Thiết bị ghi âm các cuộc đàm thoại trong buồng lái của máy bay Aribus A330 gặp nạn năm 2009. Ảnh: AP. |
AFP dẫn lời Cục Điều tra và Phân tích của Pháp (BEA) cho biết, tàu ngầm tự động phát hiện thiết bị ghi âm, cũng được gọi là hộp đen giống như thiết bị ghi các thông số của chuyến bay, ở độ sâu 3.900 m vào ngày 2/5 và đưa nó lên tàu hôm qua. Vị trí mà tàu ngầm tìm thấy thiết bị cách bờ biển phía đông bắc Brazil vài trăm km.
Trước đó các nhà điều tra tìm thấy hộp đen đầu tiên ghi dữ liệu chuyến bay ở một nơi cũng cách mặt biển 3.900 m vào sáng 1/5. Một phần hộp đen này chìm dưới cát song có vẻ như nó không bị hư hại.
Giới chức BEA không công bố thông tin về tình trạng của hai thiết bị, song trước đó họ từng nhận định chúng có nguy cơ hỏng vì chịu áp suất lớn dưới đáy Đại Tây Dương trong gần hai năm. “Chúng tôi không thể nói trước rằng có thể đọc được dữ liệu trong hộp đen hay không cho tới khi nó được mở ra”, một người phát ngôn của BEA nói với AP.
Hộp đen thứ hai được đưa lên từ đáy đại dương vào tối 3/5. Ảnh: AP. |
228 người - gồm hành khách và phi hành đoàn - trên chuyến bay AF 447 thiệt mạng khi chiếc phi cơ Airbus A330 rơi xuống Đại Tây Dương hôm 1/6/2009, trong lúc bay từ Rio de Janeiro tới Paris. Trong những chiến dịch tìm kiếm trước đây người ta vớt được hơn 600 mảnh vỡ của máy bay và 50 thi thể - gồm 45 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn.
Sau ba chiến dịch tìm kiếm không thành, tiêu tốn hơn 28 triệu USD để thuê chuyên gia và sử dụng công nghệ tìm kiếm dưới biển mới nhất, vào đầu tháng trước các nhà điều tra đã tìm thấy những mảnh vỡ còn lại của máy bay ở độ sâu chừng 4 km trên đáy Đại Tây Dương. Những mảnh vỡ nằm ở một nơi cách gần 10 km so với vị trí cuối cùng của chiếc phi cơ Airbus A330 trên màn hình radar trước khi nó biến mất.
Các nhà điều tra vụ tai nạn của chiếc phi cơ Airbus 330 thuộc hãng hàng không Air France vào ngày 1/6/2009 hy vọng việc tìm thấy hộp đen ghi dữ liệu kỹ thuật sẽ giúp họ xác định nguyên nhân khiến máy bay lao xuống Đại Tây Dương.
Những thông điệp tự động từ hệ thống máy tính của phi cơ xấu số cho thấy các máy tính nhận những chỉ số sai lệch về tốc độ gió từ các cảm biến. Tuy nhiên, các nhà điều tra nhận định máy bay lao xuống đại dương bởi nhiều lý do, chứ không chỉ bởi lỗi của các cảm biến tốc độ.
Nếu đọc được dữ liệu trong cả hai hộp đen vừa tìm thấy, các nhà điều tra có thể xác định nguyên nhân khiến chiếc máy bay Airbus 330 rơi xuống đại dương vào năm 2009.
Minh Long