Những cổ vật này chưa được định tuổi chính xác, nhưng các nhà khoa học Mỹ tin rằng chúng có niên đại ít nhất 40.000 năm. Sự xuất hiện của chúng đã làm lung lay hai giả thuyết quen thuộc: Một cho rằng con người chưa phát triển những tư duy biểu tượng cho đến cách đây 35.000 năm. Và hai là khi điều đó xảy ra, nó xuất hiện đầu tiên ở châu Âu. Khu vực khảo cổ, nằm tại thung lũng sông Loiyangalani trong Công viên Quốc gia Serengeti, Tanzania, có tuổi ít nhất 40.000 năm hoặc cổ hơn nữa, thuộc thời kỳ Đồ đá giữa. Cùng thời kỳ này, ở châu Âu tồn tại giống người Neanderthal bên cạnh người Cro Magnons hiện đại. Có giả thuyết cho rằng chính người Neanderthal đã tạo nên những cổ vật ở vùng Loiyangalani. Nhưng theo John Bower, giáo sư danh dự môn khảo cổ tại Đại học Bang Iowa (Mỹ), người giúp đỡ nhóm nghiên cứu, không có bằng chứng nào chứng tỏ người Neanderthal từng sống ở ngoài châu Âu. Ông cũng không tin người Neanderthal có thể khéo tay đến vậy. Và như thế, "những cổ vật tìm được cho thấy người hiện đại đã từ châu Phi di cư tới châu lục Âu - Á, mang theo những khả năng biểu tượng hóa- khả năng mà họ không truyền lại cho những người Neanderthal đang sống ở đây", Bower nói. Tuy nhiên, phát hiện về các tạo tác này không đủ để thuyết phục các chuyên gia rằng chúng mang tư duy biểu tượng (có ý nghĩa sâu xa hơn là bản thân đồ vật). "Ngay cả khi đã xác định được độ tuổi, nhóm nghiên cứu vẫn phải chứng minh rằng chúng là biểu tượng chứ không chỉ đơn thuần là vật trang trí", Paul Pettitt, nhà khảo cổ thuộc Đại học Shefield, Anh nhận định. Ngoài những hạt vòng làm từ vỏ trứng đà điểu, thung lũng sông Loiyangalani còn có dấu hiệu của bàn tay con người trên các công cụ đá, những mảnh xương khắc và các bút màu. "Chúng tôi tìm thấy rất nhiều những "bút vẽ" bằng hoàng thổ - các cục hoàng thổ nhỏ được xoa nhẵn bóng, có lẽ là để tạo bột màu", Bower cho biết. Một phát hiện bất thường khác tại khu vực là xương cá trê. Thường thì các khu vực đồ đá giữa không có bất cứ thứ gì liên quan đến xương cá. B.H. (theo Reuters, NewScientist) |