Bức tượng Farnese Atlas. |
Bức tượng có tên Farnese Atlas làm bằng cẩm thạch, cao 2,1 m, nằm tại Bảo tàng khảo cổ quốc gia ở Naples, Italy.
Điều quan trọng với các nhà khoa học không phải là cơ bắp của người khổng lồ mà là quả cầu ông mang trên vai: Những chòm sao khắc trên bề mặt nằm theo đúng vị trí mà Hipparchus có thể đã nhìn thấy trong thời của ông. Điều này cho thấy thợ điêu khắc đã trang trí quả cầu dựa trên danh mục các vì sao của nhà thiên văn cổ - một tài liệu chưa có người hiện đại nào nhìn thấy.
"Có rất ít trường hợp những bí ẩn cổ đại bị mất tích lại được tìm thấy. Đây là trường hợp quý giá về một kho kiến thức nổi tiếng bị mất từ lâu đã được khám phá", Bradley Schaefer tại Đại học Louisiana nhận định.
Hipparchus, nổi tiếng những năm 140-125 trước Công nguyên, được cho là một trong những nhà thiên văn học đầu tiên trên thế giới. Trước ông, chưa có ai tập hợp được một danh sách toàn diện về hàng trăm ngôi sao mà ông đã quan sát, được gọi là danh mục các vì sao.
Danh mục này không còn tồn tại đến ngày nay, và đến giờ, dấu tích của nó chỉ nằm trong mục tham khảo của các công trình do các nhà thiên văn học theo sau Hipparchus viết, Schaefer cho biết.
Một phát minh khác của Hipparchus, ý tưởng về sự tiến động - sự di chuyển chậm của các vì sao và chòm sao tương ứng với đường xích đạo trên bầu trời - đã khiến Schaefer tin rằng quả cầu Atlas có liên quan tới danh mục sao của Hipparchus.
Schaefer cũng xác định thời điểm ra đời của bức tượng là vào năm 125 trước Công nguyên, độ sai lệch khoảng 55 năm. Thời điểm này nằm trong khoảng thời gian mà Hipparchus sống và làm việc.
M.T. (theo Reuters)