-
18h30
"Tìm kiếm cứu nạn bằng mọi cách"
Chiều 29/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra công điện, yêu cầu các lực lượng bằng mọi cách, mọi phương tiện, triển khai mọi phương án, hướng tiếp cận như di chuyển bằng đường mòn, đường rừng, đường bộ, đường thủy, phương tiện bay,... để tiếp cận, tổ chức cứu nạn và cấp cứu những người còn sống sót.
-
17h34
Nhân chứng thoát chết: "Đất đá nổ bùng bùng khi sạt lở"
Ông Nguyễn Thành Sơn (56 tuổi), thoát chết trong vụ sạt lở ở thôn 1 (xã Trà Leng) kể, khoảng 12h ngày 28/10 ông nghe tiếng nổ nhỏ nhưng không xảy ra sạt lở. "Đến 15h, tôi cùng một số thanh niên lấy đá chắn ở bờ suối để nước lũ khỏi ngập vào nhà, bất ngờ nghe tiếng nổ bùng bùng. Ngước mắt nhìn lên thấy cây và đất ào ào cuộn đến. Tôi hét mọi người chạy nhưng không kịp nên bị nước, đất đá hất tung về trước",
Một lúc sau, ông Sơn nhìn thấy hiện trường kinh hoàng với nhiều người chết lẫn trong đống đổ nát; nhiều người la hét kêu cứu do bị thương.
"Một người con gái bị gãy chân kêu cứu gần chỗ tôi, tôi lại gần bế em ra khỏi đống đổ nát, đặt tạm xuống đất, lấy áo mưa đắp trên người em cho đỡ lạnh và dặn ở yên tại chỗ, lúc nào có người đến gần thì la lên để họ cứu. Sau đó, tôi tiếp tục giúp một số người khác bị thương ra khỏi hiện trường", ông Sơn nói.
Gương mặt chưa hết bàng hoàng sau vụ sạt lở, anh Hồ Quốc Khánh, thôn 1 (xã Trà Leng) nhớ lại, "trưa hôm qua trời mưa to, tôi cùng một số người dân đứng ở hiên nhà thấy nước trên đỉnh núi sạt xuống nên dùng điện thoại quay. Vừa giơ máy lên thì nghe tiếng động lớn nên hô nhau bỏ chạy".
Lúc 20h, anh Sơn quay lại hiện trường phát hiện 3 thi thể bị kẹt dưới cây to, không thể lôi các nạn nhân ra ngoài, anh đành lấy bạt tấp lại vì trời tiếp tục mưa; sau đó, anh tìm thấy hai cháu bé bị gãy chân và cố sức đưa các cháu ra khỏi hiện trường.
"20 năm sống ở đây, song chưa khi nào tôi chứng cảnh sạt lở kinh hoàng như lần này", anh Khánh nói.
-
17h34
Thêm 5 người bị thương được cấp cứu
Lãnh đạo Trung tâm Y tế Bắc Trà My cho biết, đến 16h chiều 29/10, đơn vị tiếp nhận 5 bệnh nhân từ xã Trà Leng, trong đó có 2 bệnh nhân nặng, qua hội chuẩn thống nhất chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam để điều trị. Như vậy, cùng với 4 cháu bé trước đó, tổng cộng có 9 người bị thương đã nhập viện.
Trên toàn tỉnh Quảng Nam, đến 16h chiều 29/10, sạt lở đất làm 19 người chết, 22 người mất tích. Trong đó, riêng huyện Nam Trà My có 14 người chết, 13 nạn nhân mất tích; huyện Phước Sơn có 5 người chết, 8 người mất tích; huyện Bắc Trà My mất tích một người.
-
17h16
Quân đội vào được hiện trường
Sau khi quốc lộ 40B được thông tuyến, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5 cùng các phương tiện, thiết bị hỗ trợ tìm kiếm vào hiện trường. Lực lượng tiếp cận thôn 1, xã Trà Leng sớm nhất gồm 20 công binh, quân y mang thùng cứu thương vào để cấp cứu nạn nhân; 4 trường hợp bị thương nặng được đưa đến bệnh viện trước.
Lãnh đạo Ban chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My, cho hay trong số 53 nạn nhân bị vùi lấp ở xã Trà Leng, 34 người sống sót (16 người bị thương), tìm thấy 6 thi thể, còn 13 nạn nhân mất tích.
Thông tin ban đầu, những người may mắn sống sót do được nước bùn đẩy dồn về chân núi, sau đó trồi lên trên lớp đất nên thoát chết.
-
16h52
Hiện trường sạt lở ở thôn 1, xã Trà Leng
-
15h52
Những nạn nhân đầu tiên được cứu chữa tại bệnh viện
-
15h00
Bốn cháu bé bị thương được khiêng bộ suốt 15 km
Chiều nay, một nhóm người dân trên đường khiêng 4 trẻ em bị thương ra ngoài cấp cứu đã gặp được lực lượng cứu hộ đang mở đường vào Trà Leng. Các cháu bé nhỏ nhất 5 tuổi, lớn nhất 15 tuổi đều bị đa chấn thương, gãy chân, tay. Bộ đội đã sơ cứu tại chỗ, điều xe cứu thương đưa các cháu vào bệnh viện.
Chị Hồ Thị Hậu (19 tuổi) đưa các cháu họ bị thương trong vụ lở đất ở thôn 1, xã Trà Leng đến bệnh viện Bắc Trà My cấp cứu. "Tôi ở thôn 2. Khoảng 2-3h chiều 28/10, bỗng nhiên nghe tiếng đất nổ, chạy ra thấy nửa quả đồi đất ập xuống thôn 1, vùi lấp toàn bộ nhà cửa, đường xá ở thôn này. Thôn 2 cũng bị đất đá vùi lấp song nhẹ hơn", chị Hậu kể lại.
Theo chị Hậu, người dân địa phương bới đất đá ở hiện trường suốt đêm, cứu được một số nạn nhân đưa ra ngoài và "không rõ số người mất tích còn bao nhiêu". Sáng nay, người dân đưa các nạn nhân còn sống sót lên cáng, khiêng ra đường quốc lộ. Họ đi bộ khoảng 15 km thì gặp lực lượng cứu hộ từ bên ngoài đang mở đường vào.
-
14h00
Thông đường vào hiện trường
Đầu giờ chiều nay, theo thông tin từ Sở chỉ huy tiền phương, 3 trong số 5 vị trí sạt lở nặng trên quốc lộ 40B đã được xử lý xong, giúp thông tuyến đường vào hiện trường ở xã Trà Leng.
-
13h41
Ba phương án mở đường cứu hộ
Ông Hồ Quảng Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thông tin về ba phương án tiếp cận hiện trường ở xã Trà Leng, gồm đường bộ, đường không và đường thủy. Sở chỉ huy tiền phương đã quyết định phương án chính là đường bộ.
"Đến gần 12h trưa 29/10, chúng tôi đã mở được hơn nửa đoạn đường (khoảng cách 50 km từ trung tâm huyện Bắc Trà My vào hiện trường). Hy vọng các điểm sạt lở phía sau nhỏ hơn phía trước. Dự kiến cuối ngày hôm nay lực lượng cứu hộ chủ lực bên ngoài sẽ vào đến nơi", ông Bửu nói và thông tin thêm, hiện nay sông có nước lũ nên đi đường thủy rất nguy hiểm, trước mắt chỉ đi trinh sát, chưa sử dụng.
Phương án sử dụng máy bay cũng khó khả thi vì núi cao, không có bãi đáp. Hiện lực lượng cứu hộ tại chỗ ở Trà Leng có một số bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và thanh niên.
-
11h58
Khắc phục điểm sạt lở lớn thứ hai
Điểm sạt lở thứ 2 trong số 3 điểm sạt lở lớn nằm trên quốc lộ 40B, đường vào xã Trà Leng đang được khắc phục. Một máy xúc san gạt đất đá ở đây nhưng gặp khó khăn do cây lớn chắn ngang. Lực lượng chức năng huy động thêm một máy múc đến để hỗ trợ thông đường. Từ điểm sạt lở này vào xã Trà Leng còn hơn 20 km.
Tại Sở chỉ huy tiền phương đặt ở trung tâm huyện Bắc Trà My, Trung tá Võ Văn Thành, chủ nhiệm chính trị Trung đoàn bộ binh 885 (Quân khu 5) cho biết, nhận lệnh chỉ huy, Trung đoàn huy động 50 cán bộ, chiến sĩ mang theo nhiều phương tiện, công cụ hỗ trợ việc tìm kiếm. "Chúng tôi dùng xe nhỏ, xe bán tải tiếp cận hiện trường; nếu chỗ nào không đi được sẽ tính phương án hành quân bằng đường bộ", Trung tá Thành nói.