Bên một phiến đá lớn, chị Nguyễn Thị Lý khóc nức nở trước thi thể người bố chồng, ông Nguyễn Thanh Khương, 56 tuổi. Ông Khương được đưa ra dưới đồng đất đá dày khoảng 10 m, thi thể không còn vẹn nguyên. Cuộc sống khó khăn nên dù tuổi cao, hằng ngày ông phải bốc từng phiến đá kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
![]() |
Đội cứu hộ, cứu nạn có mặt tại hiện trường. Ảnh: Sương Mai |
Chị Nguyễn Thị Hải, một công nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần kể lại, chiều qua, khi một số nhân công nán lại bốc chuyến cuối cùng thì nghe tiếng đổ ào từ trên đỉnh xuống, trong giây lát đã đè ngút người và một chiếc xe gần đó. "Lúc này tôi đã ra ngoài nên chạy thoát, ngoái đầu lại thấy một số người đang cố lết ra khỏi phiến đá lớn, máu nhuộm khắp người".
Kể từ khi được phép khai thác đá ở núi Mốc từ những năm 1990, đã có 1 người chết và 10 người bị thương do nổ mìn ở đây. Nhiều lần người dân khuyến cáo việc nổ mìn nhiều sẽ làm lung lay địa tầng của ngọn núi và ảnh hưởng đến việc khai thác.
Thời gian gần đây, hằng ngày có hàng trăm nhân công đến đây khai thác đá, chủ yếu là dân nghèo, tranh thủ xong mùa màng đi làm thêm cho các chủ mỏ đá của hợp tác xã.
Vụ sập núi đá ngày 27/12 với hàng trăm m3 đất đá đổ xuống vùi lấp 8 công nhân đang làm việc lao động tại mỏ đá, trong đó 7 người đã tử nạn còn một người bị thương nặng đang cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh.
UBND tỉnh đã hỗ trợ mỗi gia đình có người bị chết 3 triệu đồng, người bị thương 1 triệu đồng.
Sương Mai