Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường quốc tế đóng băng hơn một năm qua, nội địa vẫn là hướng đi chủ đạo của ngành du lịch Việt Nam. Để kích cầu du lịch trong nước, các doanh nghiệp lữ hành tung nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi, combo du lịch giá rẻ giúp người Việt có thêm cơ hội trải nghiệm, khám phá những điểm đến trong nước.
Trải qua hai đợt kích cầu năm 2020, các chuyên gia nhận định thị trường du lịch nội địa đang ấm dần tuy nhiên cần có sức bật mạnh mẽ hơn nếu không muốn bị chững lại. Nhu cầu của khách hàng sẽ khắt khe hơn, đòi hỏi cao hơn về sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ. Giảm giá sẽ không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu mà quan trọng hơn là sản phẩm cần có tính cá biệt hóa cao, đem lại nhiều giá trị, trải nghiệm thú vị, từ đó kích thích nhu cầu du lịch của khách hàng.

FLC Sầm Sơn với hệ tiện ích đồng bộ theo tiêu chuẩn 5 sao.
Theo ông Hồ Xuân Phúc, Tổng giám đốc Hanotour, để đáp ứng các nhu cầu mới, doanh nghiệp cần phát triển hệ sinh thái sản phẩm đồng bộ và đa dạng cả về chi phí, lẫn tiện ích. Bên cạnh đó, cần tạo được sự liên kết giữa các sản phẩm này để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Phúc Ngân, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty Quản lý khách sạn và Khu nghỉ dưỡng FLC cho hay, ngay từ những ngày đầu triển khai các chiến dịch kích cầu, doanh nghiệp đã quan niệm kích cầu không đơn thuần chỉ là giảm giá mà phải là sự gia tăng thêm quyền lợi và giá trị cho khách thông qua sự liên kết của các sản phẩm - dịch vụ, đồng thời phải tạo ra nhiều sản phẩm mới, nhu cầu mới.
Từ lợi thế hệ sinh thái đồng bộ (bao gồm các quần thể du lịch 5 sao, hệ thống sân golf và hãng hàng không Bamboo Airways), FLC đã thiết kế nhiều sản phẩm vừa có chi phí tối ưu vừa đầy đủ tiện ích như các loại combo kết hợp vé máy bay, khách sạn, dịch vụ ăn uống, giải trí, sân golf... hay các loại thẻ đa tiện ích. Theo đó, khách chỉ cần chi trả cho một dịch vụ nhưng có thể sử dụng thêm nhiều loại sản phẩm dịch vụ khác, giúp gia tăng trải nghiệm.
Song song với việc tung các sản phẩm mới, theo chuyên gia, việc truyền thông, marketing khác biệt cũng là nhân tố quyết định, ảnh hưởng bền vững đến thị trường.
Bà Huỳnh Thị Mai Thi, Giám đốc Traveloka cho rằng, xu hướng và thị hiếu của người dùng đang có sự dịch chuyển lớn. Cụ thể, khách hàng ngày càng tìm đến các nền tảng số để book tour đặt phòng. Do đó, để tạo sức hút, doanh nghiệp lữ hành cần sáng tạo hơn khi ứng dụng công nghệ số trên nền tảng booking trực tuyến để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm đặc biệt.
Tập trung đẩy mạnh du lịch nội địa nhưng chuẩn bị sẵn sàng để mở cửa quốc tế cũng cần được lưu ý. Là một trong những quốc gia điển hình thành công khống chế Covid-19 trên thế giới, Việt Nam có nhiều ưu thế để mở cửa du lịch quốc tế. Lĩnh vực hàng không sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Là hãng hàng không định hướng dịch vụ 5 sao, Bamboo Airways đã và đang có những kế hoạch toàn diện, cùng các cơ quan chức năng trong việc nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm hộ chiếu vaccine trong lộ trình từng bước khôi phục mạng bay quốc tế.
Những chiến lược để tạo sức bật cho thị trường du lịch nội địa sẽ được thảo luận chi tiết tại Tọa đàm Du lịch Việt Nam 2021 - 2023: Những cơ hội phát triển mạnh mẽ. Đây là dịp để đại diện các bên cùng gặp gỡ, trao đổi về những nhu cầu, xu hướng của thị trường du lịch nội địa ở thời điểm hiện tại. Từ đó, hướng đến mục tiêu tìm ra giải pháp truyền thông, marketing để xây dựng chiến dịch lớn với những thông điệp xuyên suốt có ảnh hưởng bền vững đến thị trường.
Tọa đàm do Tổng cục Du lịch, VCCI, Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ phối hợp với báo điện tử VnExpress tổ chức ngày 3/4 tại FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa. Tham dự sự kiện có ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; lãnh đạo địa phương; và đại diện nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Truyền thông, lữ hành, khách sạn...
An Nhiên