Cô gái 27 tuổi đang làm nhân viên kinh doanh cho một công ty về giáo dục. Cô kể, công việc áp lực, mỗi ngày phải tiếp hàng chục học viên và phụ huynh khiến não cô căng như dây đàn.
"Một ngày bận rộn đã quá mệt, tôi muốn đến đây để tận hưởng không khí trầm lặng hiếm có, thả hồn vào những bậc thang, các ô cửa, đặc biệt là những bảng hiệu lâu năm vẫn còn in trên vách tường đã phai màu", Phương chia sẻ về thói quen chạy trốn nhịp sống hiện đại bằng việc đến quán cà phê trong chung cư Tôn Thất Đạm 136 năm tuổi ở quận 1.
Từ nhiều năm nay, chung cư Tôn Thất Đạm là điểm hẹn hay "thiên đường check-in" của nhiều người trẻ Sài Gòn. Khu nhà một một tầng trệt và bốn tầng lầu được xây dựng từ thời kỳ Pháp thuộc - năm 1886, đến nay vẫn giữ nguyên hình dáng. Phía bên ngoài, chung cư tiếp giáp với đường Tôn Thất Đạm, đối diện là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bên phải có tầm nhìn đẹp hướng về kênh Tàu Hủ.
Ghi nhận của phóng viên VnExpress tại một số chung cư cũ ở khu vực quận 1, quận 3, quận 10... có khoảng 50% số căn hộ đã được cho thuê kinh doanh, chủ yếu để mở quán cà phê, shop thời trang tự thiết kế, mỹ phẩm, hàng lưu niệm, thậm chí quán ăn hay spa. Lượng khách là dân văn phòng và khách du lịch nước ngoài mua sắm tại đây rất đông đúc.
Hồng Hạnh, 27 tuổi, chủ một quán cà phê nằm trong chung cư Tôn Thất Đạm kể, năm 2019 cô đến đây chơi, lập tức ấn tượng bởi kiến trúc cổ xưa nên ba năm sau quyết định tìm đến thuê mặt bằng mở quán.
Theo Hạnh, mặc dù chung cư cũ, bốn tầng thang bộ, nhưng lối ra vào rộng rãi, vị trí trung tâm thành phố. Căn hộ 40 m2, giá thuê khoảng 14-16 triệu đồng mỗi tháng nên cô mạnh dạn đầu tư cả trăm triệu đồng để sửa chữa, thiết kế lại theo phong cách hoài niệm mà cô thích.
"Thật hiếm có thể tìm được chung cư có tuổi đời hơn 130 năm mà vẫn còn nguyên vẹn như ở đây", Hạnh nói. Những quán cà phê xưa như của Hạnh hay cửa hàng thời trang, lưu niệm mang phong cách retro mở tại chung cư này, dù không nằm ngoài mặt đường nhưng thu hút nhiều bạn trẻ tìm đến.
Bùi Trần Vinh Khánh, 20 tuổi, là một trong số đó. Khánh cho biết, anh dành ít nhất một buổi trong ngày ghé quán cà phê ở chung cư này bởi "đến đây bỗng thấy lòng nhẹ nhàng, được thư giãn, vừa có thể quan sát sự nhộn nhịp của thành phố, nhưng không bị cuốn vào vòng xoáy náo nhiệt, xô bồ".
"Nơi đây được giới trẻ ví von như một nốt nhạc trầm giữa lòng thành phố. Từ cánh cửa gỗ lâu năm, bậc thang xi măng bám đầy bụi, hàng rào nhỏ hay hành lang uốn lượn úa màu thời gian đều gợi cho tôi cảm giác xa xưa", Khánh nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, hơn 20 năm làm tổ trưởng tại chung cư Tôn Thất Đạm cho biết chung cư này chỉ còn 54 hộ ở, đa số đã dọn đi nơi khác, để cho thuê. Nhiều người khuyên bà Hà nên chuyển đi nơi khác sinh sống vì chung cư đã xuống cấp, nhưng bà vẫn bám trụ suốt mấy chục năm qua.
"Tôi sống ở đây đã chứng kiến biết bao đổi thay của cái chung cư này. Người đến rồi đi, nhưng tôi vẫn ở lại vì mình đã thân thuộc với nơi đây rồi. Ba năm nay, nhiều bạn trẻ đến thuê, cải tạo lại làm cho chung cư có thêm màu sắc mới, vậy cũng hay", bà nói.
Bà Ngô Thị Thanh Tần, phó ban quản trị chung cư 42 Nguyễn Huệ (phường Bến Nghé, quận 1) cho rằng, nhiều người hay ví von chung cư cũ như "một kẻ ung dung chẳng chịu đổi đời". Bên ngoài phố xá tấp nập, nhưng với bà Tần, nhịp sống của mọi người trong chung cư cứ trôi chầm chậm ngày qua ngày.
"Tường vôi, bậc thang cũ mòn, úa màu theo năm tháng. Hàng xóm thì thân quen đến độ biết mặt, biết người và biết cả họ hàng trong gia đình nên không thể rời đi nổi", người phụ nữ 62 tuổi nói.
Bà Tần quê Thanh Hóa về chung cư này khoảng năm 1980. Theo bà, tòa nhà xưa cũ này được xây dựng vào đầu những năm 60, có ba lô. Lô A phía trước nhìn ra Nguyễn Huệ, lô B nhìn đường Mạc Thị Bưởi, lô C nhìn ra Đồng Khởi. Khi xưa, căn hộ lô A là khu công ty - văn phòng thời Pháp, Mỹ, lô B là nơi ở của quan chức trước năm 1975, lô C là khu bếp. Sau năm 1975, chung cư được giao lại cho các sở ban ngành, khi cư dân về ở thì cơi nới, cải tạo thành từng căn hộ riêng biệt.
Khu chung cư này từng có 100 hộ dân nhưng nay hơn 60 hộ đã chuyển đi nơi khác sống, nhà để lại cho thuê. Bà Tần kể, trước năm 2015, chung cư chỉ có một màu xám đơn điệu, chủ yếu cư dân sinh sống. Sau này, khi có phố đi bộ, hàng loạt quán xá mở ra đã khoác thêm màu áo mới cho chung cư.
"Tòa nhà cũ kỹ xưa kia bỗng trở nên nhiều màu sắc như khối rubik giữa trung tâm. Người trẻ đến đây tham quan ngày một đông hơn, thỉnh thoảng có đứa gặp tôi lại hỏi về quá khứ của cái chung cư này. Còn lớp lớn hơn, họ đến để hoài niệm về một Sài Gòn cũ", bà kể.
Theo Sở Xây dựng TP HCM, thành phố có 474 chung cư cũ với 573 lô được xây dựng trước năm 1975. Dù xuống cấp nhưng các chung cư này vẫn thu hút nhiều bạn trẻ và khách du lịch ghé thăm vì nét cổ xưa.
Mai Huyền, 26 tuổi, ngụ quận 7 có thói quen ghé cà phê và mua sắm ở các chung cư cũ. Cô cho hay, giá tiền ở đây có thể đắt hơn so nhưng không xô bồ, ồn ào. "Tôi xem đây là nơi bí mật của riêng mình, có thể ngắm sự náo nhiệt của phố xá nhưng không bị cuốn vào sự tấp nập bên dưới", Huyền nói.
Nhật Linh, 25 tuổi (quận 3) vẫn thích tìm về những góc gì đó riêng biệt ở các quán cà phê trên tầng chung cư cũ. Cô kể, có khi phải leo bộ qua nhiều bậc thang rêu phong, ẩm ướt ở chung cư 42 Nguyễn Huệ chỉ để ngắm nhìn nơi ban công tường vôi vàng úa, những chậu cây xanh, khẽ lay mình theo cơn gió lướt qua, kèm tiếng nhạc từ máy cassette cũ.
"Kiểu cà phê trong chung cư cũ thế này lại thu hút người ta. Có một chút gì đó thật hoài niệm, một chút gì đó thật chậm rãi giữa phố phường nhộn nhịp", Linh, người làm cho một tổ chức vì cộng đồng chia sẻ.
Minh Tâm