Theo BBC, bằng kỹ thuật sinh học cùng sự kết nối với các câu chuyện từ khắp nơi trên thế giới, họ phát hiện ra rằng các câu chuyện cổ tích có niên đại cổ xưa hơn là những bản đã được ghi chép lại, một số từ thời đại đồ đồng, số khác từ thế kỷ 16, 17.
Tiến sĩ nhân chủng học Jamie Tehrani từ đại học Durham nước Anh cho biết, truyện "Jack và Cây đậu thần" bắt nguồn từ một nhóm các câu chuyện cổ như "Kẻ đánh cắp kho báu của Ông Kẹ", xuất hiện trong giai đoạn phân tác của hệ ngôn ngữ Ấn - Âu vào khoảng hơn 5.000 năm trước.
Trong khi đó, truyện "Người đẹp và quái thú" và "Rumpelstiltskin" có tuổi đời khoảng 4.000 năm.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Khoa học Mở Hoàng gia Anh hôm 20/1, sử dụng phương pháp phát sinh loài để tìm ra mối liên hệ giữa lịch sử dân số và các hiện tượng văn hóa, chẳng hạn như các loại hình ngôn ngữ, các tập quán hôn nhân, các tổ chức chính trị, văn hóa và âm nhạc.
Các nhà nghiên cứu sử dụng "cây gia phả" các ngôn ngữ Ấn - Âu nhằm theo dõi các dị bản của những câu truyện cổ tích để tìm hiểu sự phát triển của chúng theo thời gian.
"Chúng tôi sử dụng một bộ công cụ mượn từ ngành tiến hóa sinh học được gọi là phương pháp so sánh phát sinh loài. Phương pháp này cho phép tái hiện quá khứ trong điều kiện không thể thu thập đầy đủ chứng cứ", tiến sĩ Tehrani nói.
"Những câu chuyện này tồn tại lâu đời một cách đáng ngưỡng mộ dù chúng không hề được viết ra. Chỉ bằng hình thức truyền miệng qua ngôn ngữ Ấn - Âu, thứ ngôn ngữ nay đã không còn, những câu chuyện này đã được kể đi kể lại trước khi tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Italy ra đời".
Nhiều người vẫn cho rằng "Hansel và Gretel" hay "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn" tồn tại từ thế kỷ 16-17, khi họ tìm thấy văn bản ghi chép những truyện này. Tuy nhiên tiến sĩ Tehrani và cộng sự của ông, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Sara Graca Da Silva cho biết họ có bằng chứng vững chắc cho giả thuyết rằng truyện cổ tích có tuổi đời lâu hơn nhiều.
Trong chuyện cổ tích "Thợ rèn và ác quỷ", một người thợ rèn đã quyết định thỏa thuận với một thế lực siêu nhiên hung ác, có thể coi như Thần Chết. Người thợ rèn đã đánh đổi linh hồn của mình để lấy khả năng có thể hàn mọi thứ lại với nhau.
Cốt truyện này khá đồng nhất trong hệ ngôn ngữ Ấn - Âu, xuyên suốt từ Ấn Độ đến vùng Scandinavi.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng câu chuyện này có dấu vết từ xã hội Ấn - Âu, khi kỹ thuật luyện kim ra đời, vào thời kỳ đã được các bằng chứng khảo cổ và di truyền học cho thấy có sự mở rộng lãnh thổ lớn của các bộ lạc du mục từ phía bắc Biển Đen, khoảng từ 5.000 đến 6.000 năm trước.
Tuy nhiên, John Lindow, một nhà nghiên cứu văn học dân gian tại Đại Học California bày tỏ sự nghi ngờ về giả thuyết này. Ông cho biết vốn từ Ấn - Âu cổ rất hạn chế và từ "thợ rèn" có thể không tồn tại.
Nếu vậy, có thể bản "Thợ rèn và ác quỷ" trong nghiên cứu này không thực sự cổ xưa đến vậy.
Ngô Minh