![]() |
Các luồng khói mảnh được thổi qua cánh bướm. |
Các nhà nghiên cứu cũng tin tưởng rằng, việc hiểu được cơ chế bay của côn trùng sẽ sớm biến giấc mơ về các động cơ nhỏ xíu có thể bay lượn uyển chuyển và lắt léo như côn trùng thành sự thật.
Nghiên cứu do tiến sĩ Adrian Thomas và Robert Srygley của Đại học Oxford (Anh) thực hiện. Trước tiên, họ huấn luyện cho những con bướm giáp đỏ (Vanessa atalanta) bay tự do trong một đường hầm thông gió, tới những bông hoa nhân tạo đặt ở phía cuối hầm. Thomas đã phải mất 3 năm xây dựng "phòng" thí nghiệm này.
Khi bướm giáp đỏ bay trong đường hầm, người ta đồng thời thổi vào đó những dải khói mảnh, để quan sát sự tương tác của cánh bướm với không khí. Một camera số cực nhanh được cài đặt để ghi lại nhiễu loạn trong các dải khói, cho phép nhóm nghiên cứu phân tích cơ chế bay của bướm.
Hai nhà nghiên cứu phát hiện thấy, hoạt động vẫy cánh của bướm không phải là những cử động ngẫu nhiên, mà là kết quả vận dụng điêu luyện một loạt các cơ chế khí động học. Thomas đã xác định được 6 kiểu vỗ và xoay cánh, giúp cho bướm giáp đỏ nâng được cơ thể trong không trung. Hơn thế nữa, chúng còn có thể chuyển đổi dễ dàng giữa các kiểu vỗ cánh này, “tương tự như ngựa có thể chuyển từ đi bộ sang chạy nước kiệu hay phi nước đại vậy".
Một số trường hợp bướm giáp đỏ có cơ chế bay rất hiệu quả, tạo ra nhiễu động cực nhỏ trong không khí. Ở những tình huống khác, cánh của chúng tạo ra các lốc xoáy để tăng cường lực nâng. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện thấy trên cùng một đơn vị diện tích cánh, bướm giáp đỏ tạo ra lực nâng lớn gấp 10 lần so với cánh máy bay do con người tạo ra.
Giới khoa học cho rằng, nếu các kỹ sư có thể hiểu rõ cơ chế đã giúp côn trùng kiểm soát thành công nhiều kiểu vỗ cánh như vậy, thì họ hoàn toàn có khả năng tạo ra một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực hàng không.
B.H. (theo BBC)