Tại kỳ họp hội đồng lần thứ 5 của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) sáng 30/9, các thành viên hội đồng cho biết cần gỡ khó khăn để thu hút nhân lực giỏi vào vị trí lãnh đạo, trưởng các nhóm nghiên cứu của Viện.
Tại sự kiện, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch hội đồng VKIST đánh giá cao kết quả sau 4 năm Viện đi vào hoạt động. Vấn đề hiện tại cần giải quyết là hoàn thiện bộ máy để VKIST bắt tay vào nghiên cứu phát triển. Bên cạnh đó Bộ trưởng cũng lưu ý Viện xây dựng khung chương trình khoa học công nghệ tạo sự gắn kết, thống nhất triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ với Bộ Khoa học và Công nghệ.
Theo Bộ trưởng, ở giai đoạn tới, VKIST cần nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng trong các lĩnh vực ưu tiên, kết hợp hệ thống dịch vụ khoa học và công nghệ, hướng đến là đơn vị tự chủ tài chính.
TS Kum Dongwha, Viện trưởng VKIST cho biết, hiện Viện đã bắt đầu có doanh thu từ hoạt động nghiên cứu. Giai đoạn đầu hoạt động, VKIST đã thành lập 4 phòng thí nghiệm gồm: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và phòng Công nghệ tích hợp công nghệ thông tin và sinh học.
VKIST đã phát triển thành công mô tơ đồng bộ nam châm vĩnh cửu, có hiệu suất lên đến 95% sử dụng cho các loại xe điện. Đây là loại mô tơ đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu, có rất nhiều tiềm năng ứng dụng.
Các nhà khoa học cũng phối hợp cùng doanh nghiệp phát triển sản phẩm hỗ trợ sức khoẻ từ quả gấc của Việt Nam, ngoài hợp chất lycopen còn tìm thấy hợp chất beta carotine có trong gấc. Nghiên cứu này mở ra việc phát triển các loại dược liệu quý của Việt Nam trong tương lai.
Nhân lực là trở ngại lớn
GS Nguyễn Hữu Đức, thành viên hội đồng VKIST nhìn nhận, xác định trọng điểm nghiên cứu để cho ra sản phẩm là điều đáng mừng, nhưng muốn phát triển, phải có nhân lực đủ mạnh. Để thu hút nhân lực giỏi giữa các đơn vị tập đoàn tư nhân với nhà nước hiện cạnh tranh rất lớn. Ngoài ra, nếu chỉ tập trung nghiên cứu mà không có đào tạo, sẽ khó có các team nghiên cứu mạnh. VKIST muốn phải triển, phải kết hợp với các đơn vị đào tạo mới thúc đẩy được nghiên cứu.
Theo GS.TS Lê Huy Hàm, thành viên hội đồng VKIST tin rằng giấc mơ đưa khoa học công nghệ thành đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế phát triển của VKIST sẽ thành hiện thực, nhưng không dễ. Theo ông, nhân sự vẫn luôn là nút thắt khó nhất.
"Chúng tôi đã gửi thông tin cho tất cả những ai quen biết để tìm người, nhưng chưa tìm được. Viện, trường nào cũng muốn giữ người giỏi. Những người này cần cơ chế tài chính rõ ràng, cơ chế làm việc ổn định, điều này còn thiếu ở VKIST", ông Hàm nói. Theo ông Hàm, tuyển một phó viện trưởng hay tuyển lãnh đạo rất dễ, nhưng tuyển được trưởng nhóm nghiên cứu thì vô cùng khó.
Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng cơ chế tài chính linh hoạt để thu hút và giữ chân người tài mà điều mà VKIST cần làm được. Việc đầu tư là cần thiết, nhưng phải đúng trọng điểm, thông minh, khai thác được tối đa công nghệ.
GS.TS Trương Nam Hải, ủy viên hội đồng VKIST nhận định, để trở thành một cơ sở nghiên cứu mạnh, VKIST cần thoát khỏi sự bó buộc của cơ chế, tạo ra môi trường đột phá để thu hút được người giỏi. Trước mắt, có cơ chế thu hút nghiên cứu sinh vì đây là những người làm việc hăng say nhất. "Tôi đề xuất phải trả lương cho nghiên cứu sinh bằng tiền thực hiện đề tài", ông Hải nói.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, mô hình sandbox mà VKIST đang thực hiện là mới ở Việt Nam, nhưng thế giới đã thực hiện cách đây mấy chục năm. VKIST là đơn vị để Việt Nam thử nghiệm để đi theo con đường mà thế giới đang đi, để nhà khoa học sống được bằng thu nhập.
Thứ trưởng Duy thẳng thắn nêu một thực tế, không nước nào khoa học vận hành theo kiểu cán bộ ăn lương cơ bản, ai kiếm được đề tài thì có thêm thu nhập. Ai có đề tài thì giàu, không thì nghèo. "Người làm khoa học, lương 2-3 triệu đồng/tháng thì làm sao họ sống được? Có đơn vị các cán bộ chủ yếu làm bên ngoài. Để thay đổi điều này, phải thay đổi tư duy của cả hệ thống", ông Duy nói và cho rằng, các nhà khoa hoc ở VKIST phải là những người đầu tiên thay đổi tư duy đó.
Theo ông Duy, đã làm nghiên cứu phải chuyên tâm, không để tình trạng các nhà khoa học suốt ngày trăn trở tìm đề tài cho anh em. "Phải làm sao tiền từ đề tài để trả lương cho cả viện chứ không phải là tiền để một nhóm chia nhau", Thứ trưởng chia sẻ.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng cơ chế tuyển dụng hiện nay gây khó khăn để thu hút người tài vào cơ quan nhà nước. Ông ví dụ, một tiến sỹ làm ở công ty hàng đầu cả chục năm, nhưng vào nhà nước, mức lương khởi điểm vẫn là 3,0, cử nhân, thạc sỹ có kinh nghiệm lâu năm ở doanh nghiệp hàng đầu thế giới, khi vào cơ quan nhà nước, lương khởi điểm cũng chỉ là 2,67. Đây là vấn đề chung của các viện nghiên cứu của Việt Nam.
"Nếu không có cơ chế thu hút người tài, các viện nghiên cứu sẽ phá sản, nhân lực giỏi sẽ về trường đại học và các viện bên ngoài", ông Duy nói.
PGS. TS Phương Thiện Thương, Trưởng phòng Công nghệ sinh học, VKIST cho biết, giai đoạn 2022-2026 Viện phát triển theo hướng sẽ tiếp nhận và nhập khẩu công nghệ hiện đại, từng bước nội địa hóa, xây dựng nền tảng phát triển công nghệ trong nước. Mục tiêu Viện sẽ thành lập thêm 8-10 phòng nghiên cứu, trở thành nhà cung cấp giải pháp kỹ thuật hàng đầu cho doanh nghiệp.
Ông Thương dự tính, trong vòng 5 năm tới, VKIST sẽ tạo ra được 10 sản phẩm sở hữu trí tuệ, một sản phẩm có giá trị gia tăng cao thay thế nhập khẩu, một sản phẩm quốc gia, chuyển giao 5 kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp.
Trước đó năm 2012, Thủ tướng đã đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam thành lập VKIST theo mô hình KIST của Hàn Quốc. Đến năm 2013, Thủ tướng ký quyết định phê duyệt danh mục dự án "Hợp tác xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc" tại Việt Nam do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ quản của dự án. Hàn Quốc hỗ trợ không hoàn lại số vốn 35 triệu USD để thành lập Viện.
Năm 2017 VKIST chính thức khởi động. Trụ sở của Viện được khởi công xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc năm 2018.
Ngay từ những ngày đầu thành lập TS Kum Dongwha, Viện trưởng VKIST xác định VKIST cần có sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua các chương trình khoa học công nghệ cộng với nguồn vốn ODA của Hàn Quốc. Khi Viện có danh tiếng sẽ bứt phá, thực hiện các hợp đồng nghiên cứu để có doanh thu.