Vụ việc nâng điểm ở Hà Giang mấy ngày nay thực sự là một vấn đề nóng bỏng và gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, xét cho cùng nền giáo dục chúng ta vẫn đang xây dựng nên một tương lai "ảo" cho nhiều bạn trẻ và phụ huynh của họ.
Ngày còn đi học, đã có những lúc tôi vô cùng sung sướng khi bài kiểm tra được 10 điểm và phát khóc khi bị điểm xấu. Lớn lên dần, chúng tôi cũng quen dần với những điểm số lúc cao lúc thấp, nhưng nó cũng giống như một kiểu dị ứng phản vệ. Hồi đầu sốc, sau quen dần. Nhưng chí ít những điểm số đó cũng nói lên thực lực phần nào về mức độ chăm chỉ hay lười biếng của chúng tôi.
Đành rằng có nhiều môn điểm thường rất cao nhưng rốt cuộc ra đời chẳng dùng nó để làm gì, còn có những môn điểm kém nhưng chí ít nó cũng giúp ích cho mình được vô số điều thực tế, nhưng tâm lý chung thì vẫn thích điểm cao, học sinh mà.
(Xem thêm: Còn tỉnh nào sai phạm chấm thi THPT chưa bị lộ như Hà Giang?)
Ngày xưa thường tự lo lấy bản thân. Bố mẹ bận đồng áng mấy ai quan tâm đến điểm số của con. Còn ngày nay, khi mà phương tiện truyền thông bùng nổ, từ đầu làng đến cuối xóm ai ai cũng bàn tán chuyện thi cử, chuyện đỗ đạt, chuyện lọt qua cửa nọ, cửa kia để kiếm được "tiền tấn" sau này nếu được vào trường điểm, được cái bằng đỏ khi ra trường, thì tự nhiên điểm số không còn là chuyện vui buồn của trẻ thơ nữa.
Bây giờ, bằng công nghệ tinh vi "4.0" và cả một bệ đỡ từ phụ huynh đến một số người cầm cân nảy mực, họ có thể biến một thế hệ yếu kém thành một dàn "sao" với những điểm số cao chất ngất.
Nhưng bằng nghị lực thực tế biết đâu họ lại tìm cho mình được một hướng đi mới nhanh hơn, tốt đẹp hơn là xây dựng giấc mơ ảo bằng sự gian dối.
(Xem thêm: Một mình ông Lương sao sửa được hơn 330 bài thi trong 2 tiếng?)
Tôi nhớ lại trường hợp một em học viên ở quê Nghệ An, đã tìm đến học nghề bếp hồi năm ngoái của mình. Hiện nay em ấy đang làm việc ở Rumani với thu nhập khoảng 1.000 đôla Mỹ một tháng. Vậy là so với các bạn đồng niên đang miệt mài trên ghế nhà trường thì em ấy đã có thể hàng tháng gửi tiền về chu cấp cho bố mẹ.
Hay như gần đây, rất nhiều công ty Nhật Bản sang Việt Nam để tìm kiếm nguồn nhân lực, nếu đáp ứng được tay nghề chuyên môn về ngành chế biến món ăn. Họ có thể đưa sang Nhật làm việc với mức lương cao gấp 7-8 lần các bạn học đại học mới ra trường ở Việt Nam.Vậy thì tại sao chúng ta cứ phải vật lộn, phải tìm mọi cách, thậm chí phạm pháp để có điểm cao mà vào đại học?
Thiết nghĩ, trách nhiệm cao cả của các nhà làm giáo dục là hãy tạo ra những nhân tài thực sự chứ không phải là những con số ảo như trong kỳ thi vừa rồi.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.