Cứ đến đêm giao thừa thì vợ chồng tôi “bê” cả chợ về nhà, cái gì cũng có, thứ gì cũng đủ, chỉ thiếu hương vị ấm cúng, sum vầy, thân thuộc qua ánh mắt bắt đầu già nua của cha mẹ…
Tôi lăn lộn với việc kiếm tiền mà quên mất rằng bố mẹ đang rất cô đơn trong căn phòng rộng. Cách đây hơn hai năm tôi bàn với vợ đưa bố mẹ lên thành phố để tiện đường chăm sóc. Để tránh ồn ào, chúng tôi bố trí để ông bà ở trên tầng 4. Tầng 3 là phòng con trai lớn đang học lớp 11, còn vợ chồng tôi và cháu nhỏ ở tầng 2.
Trong căn phòng trên tầng 4, bố mẹ đứng đứng ngồi ngồi. Việc nhà thì đã có người giúp việc làm hết cả rồi. Có những lúc ông bà nhìn nhau rồi thở dài, kêu buồn tay buồn chân. Tiếng là từ quê lên để con cái chăm sóc lúc tuổi già, đau yếu nhưng hầu như lúc nào ông bà cũng phải “nhốt mình” trong phòng. Mỗi ngày đều đặn ba bữa người giúp việc đem cơm lên tận phòng, rồi hỏi xem ông bà có cần gì không?
Công việc từ sáng đến tối bù đầu chẳng còn lúc nào để tôi hỏi han bố mẹ. Cuối tuần thì lại tụ tập, tiếp khách hoặc gặp gỡ người này người khác. Lịch trình quen thuộc là buổi sáng vợ chồng tôi đi làm đến tối mịt mới về, quen với cảnh “cơm hàng cháo chợ”. Con trai lớn đi học chính khóa, rồi học thêm kín cả lịch. Đứa nhỏ thì đi nhà trẻ, người giúp việc sẽ đưa đón về. Nhiều bữa ông bà chờ cơm đến tận 10 giờ đêm, thậm chí 11 giờ đêm. Tôi đề xuất ông bà cứ ăn trước, chờ con cháu thì muộn mất, ăn khuya lại không tốt cho sức khỏe. Nhưng có lần bố tôi bảo: “Nuốt không trôi”.
Thời gian đầu tôi thường xuyên đưa ông bà đi khám sức khỏe (ông bị bệnh tiểu đường, còn bà thì cao huyết áp). Thời gian sau, lu bu bao nhiêu việc, tôi quên bẵng đi. Có lẽ thấy con cái bận bịu nên ông bà không dám nhờ vả. Cứ như vậy, hai ông bà tự túc dắt nhau đi khám bệnh. Nếu chúng tôi hỏi thì ông bà nói sơ qua, còn nếu chúng tôi quên thì thôi.
Thi thoảng ông kêu buồn, bà thì thở dài thườn thượt. Nghe những lời than thở của bố mẹ, tôi chẳng mấy bận tâm. Tôi cũng chẳng có thời gian để ý đến lời bố mẹ nói hay dạo này khỏe yếu ra sao? Hôm nào chúng tôi về sớm thì lên gõ cửa phòng bố mẹ chào hỏi qua loa dăm ba câu lấy lệ. Bữa nào về muộn thì cầm điện thoại gọi vọng lên tầng trên, có khi mệt quá thì quên luôn. Có dạo cả tuần tôi và bố mẹ chẳng đối mặt nhau lần nào, chỉ “giao tiếp” bằng điện thoại là chính. Cứ như vậy, buổi sáng vợ chồng tôi tất bật đi rất sớm, buổi tối thì về rất muộn. Sự thờ ơ, hời hợt của chúng tôi khiến bố mẹ rất tủi hổ nhưng ngại làm phiền đến con cái nên không nói ra.
Do việc nhà ông bà đều không phải đụng tay vào nên mới có cảm giác như “người thừa” (Điều này sau này tôi mới biết). Ông bà dưỡng sức chỉ là đi lại trong căn phòng, muốn gần con cháu cũng khó vì cháu thì bận học, con thì bận làm. Quỹ thời gian ít ỏi của chúng tôi chỉ là khi ngủ, bố mẹ không đành lòng gọi dậy để trò chuyện.
Chúng tôi danh nghĩa là con cái nhưng với trăm nghìn lý do như bận làm, bận giao lưu, gặp gỡ đối tác, bận kiếm tiền... Thế nên công việc chăm sóc bố mẹ là của cô giúp việc. Thành thử khoảng giao lưu với bên ngoài của ông bà chỉ duy nhất với người giúp việc thôi. Có mấy lần ông bà đi dạo, tôi sợ ông bà sống ở quê ra thành phố dễ bị lạc nên năn nỉ bảo đừng đi lại nhiều. Để con cái yên tâm, ông bà cứ “nhốt” mình trong căn phòng hơn mười mét vuông như thế. Cứ như vậy, buổi tối, chúng tôi về đến nhà có khi ông bà đã ngon giấc, bữa gọi điện thoại, bữa không.
Tôi chỉ nghĩ bố mẹ ở quê vất vả nhiều vì con cái rồi. Giờ con cái trưởng thành, ổn định thì báo hiếu nên muốn ông bà lên thành phố cho gần con gần cháu. Nhưng khoảng cách vô hình lại là sự bận rộn và vô tâm của vợ chồng tôi.
Một buổi sáng vợ chồng tôi ngủ dậy chuẩn bị đi làm thì đã thấy bố mẹ xách hành lý đang ngồi đợi ở phòng khách. Bố tôi nói: “Anh chị ngồi đây cho hai già nói chuyện… Chúng tôi nhớ con nhớ cháu, muốn nghe giọng con cháu cũng không được. Muốn ăn bữa cơm đầm ấm với con cháu cũng chờ mỏi mắt. Tôi thử chờ xem anh chị có còn nhớ 2 thân già này không? Nhưng với anh chị chỉ có tiền thôi…”. Nói rồi bố tôi lấy tay quệt nước mắt. Tôi run cầm cập vì chưa bao giờ thấy bố giận như thế. Bố mẹ nhất định đòi về quê. Tôi không đành lòng giữ lại vì bao lâu nay đâu có hoàn thành chữ hiếu?
Có những điều đơn giản, bình thường như trò chuyện với bố mẹ già mỗi ngày vài câu mà chúng tôi lại xem như một điều xa xỉ, không làm được. Bố mẹ đâu phải chỉ cần những bữa ăn, ở nhà đẹp là đủ?
Tôi giật mình nhận ra một năm mới đến, đánh dấu công việc của tôi có lúc khó khăn, có lúc thành công nhưng cũng có nghĩa là cha mẹ sẽ già thêm một tuổi. Tôi biết mình sẽ dành sự quan tâm, dù rất nhỏ cho những người thân yêu của mình, không chỉ là những ngày Tết ngắn ngủi.
Tết năm nay sẽ không còn cảnh mua bánh chưng, không còn cảnh vợ chồng tôi mải miết đi chúc Tết bạn bè cơ quan. Tết này chúng tôi sẽ cùng cha mẹ về quê, không phải để “trả” cho cha mẹ những cái Tết sum vầy, vui vẻ mà trả lại cho chính tôi những cái Tết đúng nghĩa.
Hải Long
Cuộc thi “Thời khắc yêu thương” do Công ty TNHH Sapporo Việt Nam phối hợp với VnExpress thực hiện. Đây là nơi để bạn chia sẻ những kế hoạch, dự định ý nghĩa đến người mà bạn mong muốn gửi lời tri ân, yêu thương và cùng họ trải qua những thời khắc cuối cùng của năm. Chương trình kéo dài từ ngày 26/11 đến ngày 23/12 trên trang Đời sống, báo VnExpress. Độc giả gửi bài tham dự tại đây. |