Năm 1966, Ngô Hoàng Đợi (14 tuổi, Cà Mau) tình nguyện nhập ngũ. Tháng 10/1967, trong một trận chống càn, mũi tấn công của anh phải chống lại cả một tiểu đoàn địch. Tất cả đồng đội hy sinh, riêng anh bị địch bắt đưa về nhà giam ở Bạc Liêu. Trong khoảng 6 năm sau đó, chúng lần lượt giam cầm anh ở nhà giam Cà Mau, Cần Thơ, Phú Quốc.
Lúc bị giam ở Phú Quốc, anh Đợi ở cùng với một người lính già tên Trần Văn Nuôi, quê ấp Long Thới, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, Long An. Họ kết nghĩa cha con. Ông Nuôi hứa nếu hai người được trả tự do, ông sẽ dắt anh về quê và gả con gái cho.
Mấy chục năm nay, gia đình anh Đợi đã treo tấm bằng Tổ quốc ghi công này. Ảnh: Người Lao Động. |
Năm 1973, địch trao trả tù binh. Anh Đợi ngơ ngác giữa dòng người đông nghẹt. Người ta hỏi về đâu, anh chỉ lắc đầu. Anh không có giấy tờ tùy thân và cũng không nhớ mình từ đâu đến. Ông Nuôi dẫn anh về quê định thực hiện lời hứa. Nhưng khi về nhà mới biết người con gái mà ông hứa gả cho anh đã lấy chồng. Ông Nuôi quyết định hỏi người cháu ruột của mình là Trần Thị Năm cho anh Đợi.
Cuộc sống gia đình anh Đợi nghèo, nhưng hạnh phúc. Những đứa con lần lượt ra đời. Nhưng thân thế vẫn là một điều bí ẩn lẩn khuất trong ký ức trống rỗng của anh. Năm 1976, gia đình anh Đợi ở Cà Mau nhận được giấy báo tử, sau đó là quyết định công nhận liệt sĩ và truy tặng huy chương Chiến sĩ giải phóng đối với Ngô Hoàng Đợi.
Năm tháng trôi qua, trí nhớ anh Đợi dần hồi phục. Một ngày cuối năm 1980, anh chợt nhớ ra mình có cha mẹ và những người em ở một miền quê sông nước Cà Mau. Anh tìm về Cà Mau, nhưng mọi thứ xa lạ.
Với mấy bộ đồ cũ sờn và chút ký ức không đầy đủ về làng quê, anh đi như kẻ mộng du đến chợ Vàm Đầm, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi. Gặp ai, anh cũng hỏi thăm nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Cuộc tìm kiếm vô vọng khiến anh mệt mỏi đành quay về. Anh không ngờ chỉ cách đó hơn 10 cây số là nơi người thân đang thờ cúng anh.
Tháng 9/2008, anh Đợi chợt nhớ ra quê mình ở xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Lại một lần nữa anh tìm về. Lần đi này còn có người con trai và em vợ đi cùng. Như một sự sắp đặt tình cờ, ba người đi đến chợ Thủ, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển. Anh Đợi hỏi một người bán vé số có biết nhà của bà Nguyễn Thị Nhạn không. Người bán vé số không biết, nhưng khuyên anh đến nhà ông Lê Văn Phước, vì nghĩ ông Phước là người lớn tuổi ở đây chắc sẽ biết. Không ngờ ông Phước biết thật và bảo anh Đợi có người em gái tên là Ngô Thị Ảnh đang sống tại chợ này.
Chị Ảnh 42 tuổi, từ ngày sinh ra tới giờ chưa thấy mặt anh trai. Chỉ biết ngày cúng cơm của anh hằng năm và thỉnh thoảng ghé qua nhà bia ghi danh để thắp nhang và nhìn tên anh ghi trên đó. Bỗng dưng nay thấy anh Đợi đứng trước mặt, xưng là anh Hai thì khó mà chấp nhận. Nhưng khi anh Đợi kể rõ thân thế và trông anh giống với người cha quá cố như hai giọt nước, chị xúc động nấc lên rồi hai anh em ôm nhau khóc như mưa. Hôm ấy là ngày 27/9.
Anh Ngô Hoàng Đợi (ngực có dấu x) trong ngày đoàn tụ cùng gia đình. Ảnh: Người Lao Động. |
Chiều hôm đó, chị Ảnh dẫn anh về gặp gia đình. Anh Đợi chẳng nhận ra đâu là mẹ và các em của mình. Anh nhớ ngày đi chỉ có hai em, giờ có đến 7 người. Mẹ anh già quá, cha thì không còn sống. Bà Nguyễn Thị Nhạn, mẹ anh, gần 80 tuổi, sau một hồi im lặng rồi mắng như tát nước: “Lâu nay mày ở đâu mà giờ mới mò về. Mày còn nhớ tới bà già này nữa đâu hả thằng con bất hiếu...”.
Anh Đợi ngồi lặng thinh. Bà Nhạn vừa mắng, vừa ôm con khóc nức nở. Anh Đợi giải thích do mất trí nhớ, nhà nghèo nên mấy lần muốn tìm về mà không được. Anh Đợi xin phép mẹ đến bàn thờ của mình thắp nén nhang tạ lỗi với vong linh của cha.
Đêm đó, cả nhà anh thức trắng.
(Theo Người Lao Động)