Trẻ hiểu biết về dinh dưỡng để tự chọn bữa ăn chất lượng
Bé Thiên Bình và Thiên Bảo (lớp 1, trường Tiểu học Thị trấn Củ Chi, TP HCM) thường bảo với mẹ: "Ăn cá để thông minh. Ăn rau tốt cho sức khỏe. Uống sữa giúp phát triển chiều cao. Tụi con thích uống sữa mỗi ngày".
Chẳng phải tự nhiên hai cậu bé mới 7 tuổi có thể biết được kiến thức cơ bản về dinh dưỡng. Đó là nhờ những bài học tại lớp, được thầy cô nhắc nhở thường xuyên trong bữa ăn bán trú. Từ ngày biết được thực phẩm tốt cho sức khỏe, hai bé còn đòi mẹ nấu canh nhiều hơn và tự giác ăn rau mà chẳng cần thúc ép.
Hay như cậu bé Hoàng Phúc (6 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) vừa uống sữa, vừa có thể kể tên các chất như sắt, vitamin A, canxi... có trong sữa, dù trước kia, Phúc chỉ ăn uống theo sở thích. Bé không thích uống sữa, chỉ mê ăn thịt, ghét món cá, ít ăn trái cây. Chị Minh Anh, mẹ của bé Phúc kể từng nghĩ ra nhiều "chiêu" để con ăn uống nhiều món mà mãi vẫn bất thành.
Từ khi đi học và tham gia uống sữa học đường cùng các bạn, lại được cô giáo tận tình chỉ dạy vitamin A giúp mắt tinh anh, canxi hỗ trợ xương chắc khỏe, nếu kết hợp tập thể dục thường xuyên sẽ cao lớn..., dần dần, Phúc và các bạn hiểu rõ và thuộc nằm lòng những lợi ích các chất dinh dưỡng này.
"Món ăn yêu thích của con là cá hồi, canh bí đỏ và trứng gà vì ngon và tốt cho sức khỏe", bé Hoàng Phúc cười tít mắt cho biết. Đôi khi các bé còn đóng vai làm "chuyên gia dinh dưỡng nhí" để chỉ lại cho mẹ các món ăn tốt cho sức khỏe.
Hầu hết các em có xu hướng ăn uống theo sở thích và thói quen, thậm chí chỉ thích vài món nhất định, khiến cho chuyện ăn uống giữa mẹ và trẻ như những "màn rượt đuổi" không có hồi kết. Thế nên nếu bé tự giác lựa chọn được thực phẩm vừa hấp dẫn với bé, vừa tốt cho sức khỏe, bé sẽ vui thích với bữa ăn hơn, mẹ cũng cảm thấy yên tâm khi con đi học ăn theo chế độ của trường lớp.
Cách giáo dục kiến thức dinh dưỡng tại trường
Theo Viện Dinh Dưỡng, trẻ 3-5 tuổi mỗi ngày cần khoảng 200 gram rau củ quả, 200 gram trái cây; các em 6-11 tuổi khoảng 200-300 gram rau củ quả, 150-250 gram trái cây và nên dùng nhiều loại thực phẩm khác nhau.
Để các bé ăn đa dạng món, cô giáo thường không chiều theo ý trẻ, bữa ăn ở trường được thay đổi thường xuyên. Các bé ở trường có bạn cùng ăn nên không khí vui vẻ hơn. Quan trọng hơn, thầy cô dạy bé các món ăn tốt, lợi ích của chúng... giúp trẻ hiểu rõ hơn vì sao nên chọn những loại thực phẩm hay những món ăn này.
Ở cấp học mầm non, những hoạt động với các bé nhỏ như thử tài làm đầu bếp, chế biến món sữa chua trái cây, vắt cam... luôn thu hút trẻ hào hứng tham gia. Sau buổi học, bé còn được nếm thử các món ngon do chính tay thực hiện. Phương pháp học mà chơi sẽ giúp bé nhớ được những kiến thức dinh dưỡng cơ bản, phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
Là giáo viên dạy các môn xã hội, cô Phạm Thị Thu Lan, giáo viên trường Tiểu học Thị trấn Củ Chi (TP HCM) thường kể chuyện để khuyến khích trẻ "chịu ăn" hơn. Cô thường kể cho cả lớp nghe những mẩu chuyện như người Nhật sống lâu nhờ ăn cá, có thể bị chảy máu cam do không chịu ăn rau... Cô còn lồng ghép giáo dục lợi ích của rau xanh để phòng tránh táo bón.
Khi thấy học trò hay bỏ thừa cơm, thông qua bài học "Hạt gạo làng ta", cô giải thích cho các em nghe sự vất vả của nghề nông. Các bé phải ăn hết cơm, quý trọng sức lao động để không phụ lòng bác nông dân dãi nắng dầm mưa làm ra hạt gạo.
Theo cô Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng trường Mầm non Thị trấn Củ Chi 2, từ khi học mầm non, cô giáo đã dạy các bé kiến thức về dinh dưỡng cơ bản, đơn giản và dễ hiểu nhất. Giáo viên thường hướng dẫn trẻ nhận diện thực phẩm có lợi qua màu sắc, ví dụ như rau, củ, quả có màu cam, đỏ của cà rốt, trái cam... giúp sáng mắt, đẹp da. Uống sữa học đường giúp phát triển chiều cao, thông minh hơn. Cô giáo thường nhắc lại mỗi ngày giúp bé nhớ kiến thức một cách chủ động.
Một số giáo viên khác cho biết, trước đây, cha mẹ thường than phiền bé ăn ít, lười ăn, không chịu uống sữa. Nhưng từ khi có chương trình sữa học đường, các con lại hào hứng uống, bé nào cũng uống hết hộp sữa của mình. Phụ huynh yên tâm hơn khi con đến trường có thêm nguồn dưỡng chất để nâng cao sức khỏe.
Trong giờ uống Sữa học đường, thầy cô còn hướng dẫn trẻ các đọc hạn sử dụng hay giới thiệu các dưỡng chất có trong sữa. Nhờ vậy, nhiều bé mầm non, tiểu học ghi nhớ rất rõ uống sữa giúp cao lớn, khỏe mạnh và thông minh hơn. Có bé về nhà đã tự giác uống sữa đúng giờ không đợi bố mẹ "thúc ép" và luôn miệng bảo "con uống sữa cao lớn, thông minh hơn cả mẹ".
Nếu muốn trẻ thưởng thức bữa ăn ngon lành, mẹ an tâm "trao quyền" cho trẻ tự chọn thực phẩm yêu thích thì nên tạo điều kiện để trẻ hiểu về dinh dưỡng ngay từ nhỏ. Như vậy, bé vẫn được ăn uống theo sở thích mà lại tốt cho sức khỏe, không bị tâm lý "ép buộc". Ngoài ra, nhà trường và gia đình cần có sự phối hợp chặt chẽ để hình thành thói quen, nề nếp ăn uống cho trẻ. Người lớn cũng cần làm gương trong việc chọn thực phẩm, ăn uống lành mạnh để trẻ học theo.
Ngọc An