Trần Nhật Lý -
Các ý kiến không thống nhất, giới phê bình lúng túng, quay ra tranh luận và báng bổ nhau, ai cũng cho là mình đúng hơn cả" (456). "Người ta tranh cãi về một hiện tượng văn học rồi lại quay ra chế giễu nhau. Có người đòi bỏ tù Nguyễn Huy Thiệp; người lại bảo anh đáng nhận giải Nobel"(525). Con đường đi tìm Nguyễn Huy Thiệp xem ra còn lắm thác ghềnh. Xung đột nổ ra quyết liệt với chùm truyện liên quan đến lịch sử, đặc biệt là Phẩm tiết. Tôi muốn tìm kiếm "con chiên lạc" bắt đầu từ cái "mắt bão" ấy.
Phe phê phán lên án Nguyễn Huy Thiệp xuyên tạc lịch sử, phe bênh vực đáp lại: Nguyễn Huy Thiệp chỉ viết truyện lịch sử giả. Vậy là cả hai phe đều cùng có một "thừa số chung" là lịch sử, phần trong ngoặc chỉ còn xuyên tạc - truyện giả. Thì ra, cả người chê lẫn người khen đều xuất phát từ một điểm, quay lưng lại với nhau, vừa đi cãi cọ, nhưng vì nhìn Nguyễn Huy Thiệp từ cùng một hệ quy chiếu lịch sử, các vị cứ đi trên một đường tròn khép kín, tần suất gặp nhau phụ thuộc vào sự nóng giận của mỗi bên, nhưng không bao giờ đến được điểm đỏ của cái đường xoắn trôn ốc mơ ước vẽ ở ngoài bìa.
Tôi xin vào cuộc với lời phát biểu của Nguyễn Huy Thiệp trong cuộc Hội thảo khoa học tại Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội I: "Không ai đi đánh nhau với các xác chết. Người ta chỉ khai thác các xác chết sao cho có lợi mà thôi". (543) Khai thác xác chết, nghe rờn rợn, đau xót nữa, phải không? Nhưng đó là điều Nguyễn Huy Thiệp muốn làm và nếu người nào thích, hãy cùng anh gỡ mối. Mở đầu truyện Phẩm tiết là một xác chết, ngờ rằng xác của bà Ngô Thị Vinh Hoa sống cách đây gần hai trăm năm. Lúc mới bật nắp quan tài, xác ướp rất đẹp. Thoắt cái, một làn sương mờ trên quan tài ùn lên phủ kín xung quanh. Mười phút sau, làn sương tan hết, trong quan tài chỉ còn một bộ xương đen như mun. Dưới ba tấc đất hai trăm năm, cái xác ướp đẹp là thế, vậy mà chỉ có mười phút, những người khai quật đã làm nó hỏng rồi. Được con gái ông Quách Ngọc Minh là Quách Thị Trình hỏi có biết gì về người phụ nữ nằm trong ngôi mộ hay không? Người kể chuyện không trả lời mà độc thoại: "Tôi băn khoăn quá, phải là người mơ mộng và nghiêm khắc mới hiểu rằng biết hoặc không biết, đều chỉ là những ước lệ mơ hồ, có tính lịch sử và hạn chế". Nhà Thiền học D.T. Suzuki đã có kiến giải rất hay về cặp phạm trù đối lập biết - không biết: "Trong Vô minh, cái biết tách rời sự biết; và người biết tách rời cái được biết; trong Vô minh, ngoại giới biệt lập với nội tâm, nghĩa là luôn luôn có những cặp mâu thuẫn đối lập nhau. Đó là cốt cách tự nhiên của tri thức vậy, nên hễ có biết là có Vô minh gắn liền theo hành vi biết. Khi ta tưởng biết một việc gì thì vẫn có một việc gì khác mà ta không biết. Cái không biết luôn luôn nằm sau cái biết, và không bao giờ ta nắm được người "chủ" vô danh của cái biết, mặc dầu ông ta luôn luôn là người bạn đồng hành, không tránh đâu được, có mặt trong mỗi hành vi biết" (Thiền luận - Quyển thượng - trang 148. NXB TPHCM). Khi cái biết khả biến, sự biết vô thường thì nhận thức ắt phải sai lạc bởi những ước lệ mơ hồ, có tính lịch sử và hạn chế. Người mơ mộng và nghiêm khắc sẽ biết khắc phục thế kẹt nhị biên biết - không biết mà nhìn về quá khứ hai trăm năm, ở đó, những kẻ "vang bóng một thời" đã trở thành người thiên cổ, trở thành xác chết. Hiểu họ đúng chẳng làm cho họ vinh quang hơn hay ô nhục hơn mà chỉ có lợi cho cuộc sống hiện tại của chúng ta. Khác đi, ta sẽ như ông Quách Ngọc Minh, rất tôn kính, rất thành tâm, nhưng lại làm hỏng di hài của tổ mẫu. Đó là cách Nguyễn Huy Thiệp "khai thác các xác chết sao cho có lợi mà thôi". Rõ ràng, xác chết ở đây là một ước lệ nghệ thuật.
Người kể chuyện "băn khoăn quá", một mình anh ta không thể trả lời được câu hỏi của cô Quách Thị Trình: biết hay không biết? Đó cũng là câu hỏi lớn đặt ra cho những ai có tâm huyết với lịch sử dân tộc. Vậy là tính đa thanh của truyện cũng đã được thông báo. Phần văn bản còn lại là sự hình tượng hoá lời độc thoại của người kể chuyện. Phẩm tiết là một truyện luận đề.
Nhiều người khen Vinh Hoa đẹp. Cô đẹp đến mức Nguyễn Huy Thiệp cũng phải sững sờ: "Lúc bình thường câu văn vốn tỉnh táo, sắc gọn nhưng đụng đến Vinh Hoa là trở nên hoa mỹ, rỡ ràng khác thường. (365) "Vinh Hoa là hiện thân lý tưởng nhân văn của tác giả. Vinh Hoa là hiện thân của thiên tính nữ". (363) Vậy, người khen - và cả người chê, đều xem Vinh Hoa là nhân vật tính cách? Không đúng rồi: Vinh Hoa là nhân vật chức năng. Là truyện luận đề, Nguyễn Huy Thiệp muốn hướng người đọc tư duy lôgíc hơn là tư duy hình tượng, do đó, thay vì tích hợp cả hai một cách hài hoà, hữu cơ, anh hậu khái quát, bạc cá biệt trong phương pháp điển hình hoá. Vinh Hoa không có cá tính. Cô sinh ra khác người, nói năng khác người, đọc sấm ngôn rất linh nghiệm lại càng khác người. Cô hay quên nữa. Khi cha gặp hoạ lớn, cô biết quỳ trước bộ tướng của Nguyễn Huệ là Đặng Tiến Đông để xin tha tội chết, nhưng khi vào cung gặp đích thân Nguyễn Hụê, cô lại quên không quỳ, còn quên luôn mục đích của chuyến đi mà "nói năng rành rẽ, đâu vào đấy... nhà vua hỏi gì, nàng đều trả lời điều ấy, nói thông cả buổi, kim cổ đông tây đủ cả". Ở nhà, cha cô đã thắt cổ chết tự bao giờ! Tính "quên", hành động không nhất quán của nhân vật thuộc thi pháp truyện cổ dân gian, chỉ có điều tác giả truyện cổ dân gian quên hồn nhiên, còn Nguyễn Huy Thiệp, quên thủ đoạn. Cô chẳng ghét ai, cũng chẳng yêu ai. Được tin cha chết, cô không hề thương cảm: "Bệ hạ khỏi bận lòng. Phận nào phận ấy. Trời chỉ nhờ cửa sinh, có ai giữ được bố mẹ sống một nghìn năm". Cô ra tay với kẻ nào đụng đến hầu bao của cô. Dân Kẻ Chợ sợ cô:
"Biết điều thì tránh Vinh Hoa
"Quịt năm các bạc mất nhà như chơi."
Cho dù Vinh Hoa có đẹp thế nào, nếu không biết yêu thì Vinh Hoa cũng chỉ là cái hình nhân trong quầy hàng may mặc. Nguyễn Huy Thiệp lại mượn màu son phấn để "đánh lừa" chúng ta. Người con gái đẹp được tuyển vào cung để làm gì nếu không phải là để hầu hạ chăn gối nhà vua. Được vua yêu dấu nuông chiều là một ân sủng lớn. Vậy mà cả hai ông vua đều say mê cô, nhưng cô lại không chịu thành thân với ai. Chẳng có gì lạ: Vinh Hoa là nhân vật chức năng. Cái mặt nạ của Vinh Hoa là cô hàng tấm Kẻ Chợ sành sỏi. Hai ông vua không hiểu hoặc không dám hiểu điều đó, nên một ông "trọng tinh thần bỉ thể xác", lồng kính Vinh Hoa, một ông ngược lại, chắc là "bỉ tinh thần trọng thể xác", muốn sở hữu Vinh Hoa như "con gà con vịt trong nhà". Vì thế, hai ông đều thất bại.
Bữa tiệc Nguyễn Huệ mời các nhà danh gia thế phiệt không thành, mặc dầu ông đã có lời phủ dụ: "Xin các ông vì ta mà mở mang công nghệ, bán buôn, làm cho nước giàu dân mạnh". Nguyễn Huệ nói "các ông hãy vì ta" nhưng Ngô Khải không nghĩ thế. Khải là kẻ cơ hội, "vừa ăn lộc nhà Lê vừa không bỏ lộc nhà Trịnh". Khải "không sợ trời, tính ích kỷ, giàu có mà đóng cửa ăn một mình, không biết giúp ai, không biết làm điều phúc, điều thiện, không biết chia lộc cho thiên hạ, trông thấy người hiền ngoảnh mặt đi". Vậy, Ngô Khải là chân dung tầng lớp phú thương thời tích luỹ tư bản sơ khai. Ta đã biết loại chân dung này qua nhân vật Grandet của Balzac. Lời phủ dụ của Nguyễn Huệ thực chất cũng chỉ là cách nói, cách nghĩ thường tình mà các triều đại trước đã nghĩ, đã làm, và còn làm tốt nữa kia, nhưng vẫn không tránh khỏi sụp đổ. Trước Nguyễn Hụê, Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn đã cho thương nhân nước ngoài mở cửa hàng bán len dạ, đồ pha lê, mua tơ tằm, trầm hương, ngà voi... Ở thế kỷ XVII, XVIII nước ta xuất hiện nhiều làng thủ công (dệt, gốm, rèn sắt, đúc đồng, làm chiếu, khắc bản in...) cả Đằng Ngoài lẫn Đằng Trong. Về thương nghiệp, hầu hết các huyện vùng đồng bằng và ven biển đều có thị tứ, chợ phiên, buôn bán khá sầm uất. Một số thành thị xuất hiện thêm. Đằng Ngoài, ngoài Thăng Long có Phố Hiến; Đằng Trong có Thanh Hà, Hội An. Điểm nổi bật của nhiều thành thị thời bấy giờ là ngoại thương phát triển mạnh. Thương nhân châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ) châu Âu (Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp) đến Phố Hiến, Hội An buôn bán tấp nập.
"Phương thức sản xuất phương Đông" mà nền tảng là kinh tế tiểu nông lạc hậu thực sự đã lỗi thời. Một phương thức sản xuất mới, dù còn rất mờ nhạt, yếu ớt, đã bắt đầu manh nha. Lịch sử đang đứng ở ngã ba đường. Nguyễn Huệ đã đánh bại quân Xiêm ở Đằng Trong, đánh bại quân Thanh ở đằng Ngoài, lật đổ ba tập đoàn quân chủ thống trị nước ta nhiều thế kỷ. Mười tám năm ông tung hoành trên yên ngựa thớt voi, mỗi cuộc hành quân là một bản khải ca hùng tráng. Thời đó qua rồi. Bây giờ ông đang đứng ở cái ngã ba buộc ông phải lựa chọn. Ông nổi dóa trong bữa tiệc. Ông bức tử Ngô Khải. Ông thích Vinh Hoa ở cái phần đàn bà của cô chứ không phải ở cái tài bán buôn của cô hàng tấm. Vậy là ông đã chọn con đường, ở đó in vết xe đổ của các triều đại trước. Vì thế, Vinh Hoa biết vận Tây Sơn tính được từng ngày. Nguyễn Huệ bị ám ảnh khôn nguôi bởi tiếng đàn có khí lạnh và lời tiên tri của Vinh Hoa. Ông không hiểu được tại sao triều đại ông lại ngắn ngủi thế. Nghi án lịch sử đó cần được đánh dấu lưu giữ cho hậu thế. Nguyễn Huệ giao trách nhiệm này cho Vinh Hoa. Hiểu đúng vì sao tiếng đàn có khí lạnh, vì sao vận Tây Sơn tính được từng ngày, chúng ta sẽ hóa giải được vết chàm trên ngón tay Vinh Hoa. Nguyễn Huy Thiệp vẫn giữ thói "khôn nhà dại chợ". Nếu cái vết trên ngón tay Vinh Hoa có màu vàng, xanh, đỏ, tía thì cơ sự đâu ra nông nỗi. Đằng này lại vết chàm đen. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp thích màu tương phản mạnh. Lịch sử vốn công bằng trên giấy trắng mực đen.
Cơn giận của Nguyễn Huệ rất đáng chú ý. Với ông, tất cả mọi người đều là con dân. Ngô Khải được vua ban cho dự tiệc, đã không bái mạng Thiên Ân, lại còn chê "có vị lợm". Vậy là bất kính quân lệnh, phải trị. Ông chỉ biết bọn giàu có ở Bắc Hà là do "cướp không biết bao nhiêu lộc thiên hạ" hoặc "có ít của chìm, tháng ba ngày tám mang ra gặm" như cánh thổ hào ở Đằng Trong mà hồi còn ở ấp Tây Sơn ông rất căm ghét. Tầng lớp thương nhân đâu phải cướp không hoặc có ít của chìm như ông nghĩ. Dinh Vua Lê nghèo khó, không nói làm gì. Nhưng "nhà Khải kho đụn không khác gì Phủ Chúa". Họ thực sự đã là một lực lượng kinh tế. Nhưng ông không thấy. Nguyễn Huệ mắng, không cho Khải nói, xử nặng đòn rồi lại hối hận, một động thái tiêu biểu của tinh thần gia trưởng. Qua cơn giận, Nguyễn Huệ đã tự bộc lộ mình là một ông vua Việt truyền thống.
Nguyễn Ánh thì lại khác. Ông không xem đế vương là mục đích tự thân, mà chỉ là trò chơi. Cuộc chạy đua chiếm đoạt vương quyền là một canh bạc lớn. Ai khôn ngoan, táo bạo, và may mắn nữa, sẽ thắng. Trong ông, tồn tại hai con người: một con người ngự trên ngai vàng quyền lực và một con người ít nhiều thị dân hóa. Ông nói với Trần Văn Thành: "Bậc đế vương giữ nước là ở tinh thần, còn giữ mình là ở thể xác". Ông thích con người thứ hai hơn, nhưng ông lại cần con người thứ nhất hơn. Ông nói với Vinh Hoa: "Sứ mệnh đế vương thật là sứ mệnh khốn nạn, chỉ được quyền cao cả, không được quyền đê tiện". Ông biết triều đại của ông đã lỗi thời, nhưng lại không dám buông bỏ. Nguyễn Ánh thấy được cái mặt nạ của Vinh Hoa. Cô đẹp và quyến rũ. Nguyễn Ánh rất thích, nhưng lại không dám thực hiện cuộc phiêu lưu tình ái đầy hiểm nguy với cô hàng tấm. Đi theo cô là đi theo con đường thương mại hóa để cứu vãn nền kinh tế tiểu nông đang lâm vào ngõ cụt. Nhưng chẳng cần Bá-Đa-Lộc mách bảo về số phận của vợ chồng Louis XVI, ông cũng hiểu mở đường cho kinh tế tư bản phát triển đồng nghĩa với tự sát. Ông bị sốc: "Nhà vua thở dài, ngã quay ra đất, ngất lịm". Tỉnh trí lại, ông đã lựa chọn vương quyền. Nguyễn Ánh không vượt qua được chính mình để cứu đất nước thoát khỏi sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản phương Tây như người Nhật Bản và người Thái Lan đã làm được.
Nguyễn Ánh xây xẩm mặt mày vì mùi hoa sữa của Vinh Hoa, cái mùi ước lệ của một hình tượng ước lệ. Chẳng có gì nghiêm trọng, phải không? Nhưng Nguyễn Huy Thiệp lại "khôn nhà dại chợ" nữa. Giá như cái mùi hoa sữa thoát ra từ mái tóc hoặc hơi thở của cô thì anh bớt "tai tiếng" đi nhiều. Đằng này nó lại thoát ra từ chỗ kín của Vinh Hoa. Nguyễn Huy Thiệp đã làm nhọc lòng cả người chê lẫn người khen. Người chê phải vận dụng đến cả kiến thức Phân tâm học để chứng minh rằng "Vinh Hoa đang bị trói, nghĩa là lúc tâm thể của cô đang sợ hãi đến khủng khiếp" (242) thì cô không thể tiết niêm dịch tình dục được. Người khen lúng túng, tìm lối thoát cho mình hơn là "chạy tội" cho Nguyễn Huy Thiệp: "Chi tiết này là nỗ lực cuối cùng của Thiệp để lý tưởng hoá nhân vật Vinh Hoa, một nỗ lực nghệ sỹ vụng về, gần như rồ dại, và hết sức đáng thương"(365).
Nhưng Nguyễn Huy Thiệp không rồ dại nên cũng chẳng đáng thương. Anh đã lựa chọn và chấp nhận búa rìu dư luận. Cũng như Đặng Anh Đào, anh hiểu "lối viết đa thanh đụng phải lối đọc thánh thư" (541). Nhưng anh cần sự đụng độ đó. Thay vì khua chiêng gõ trống để lay động lối đọc thánh thư, anh đặt mùi hoa sữa vào chỗ kín của Vinh Hoa. Nguyễn Huy Thiệp tự trói, một mình chịu trận.
Khác với Nguyễn Huệ, cơn giận của Nguyễn Ánh có nhiều nét "mới". Ông xử Vũ Văn Toàn rất tàn bạo. Đối với ông đế vương là trò chơi. Đã là trò chơi thì phải diễn trò thật khéo. Trên sân khấu, mọi người phải thấy quân ra quân, thần ra thần. Vậy mà Toàn đã phạm luật chơi, dám "mượn danh" ông để "đi ăn cướp với chơi gái". Giá việc xấu đó xảy ra với một tên vô lại tầm thường, hẳn đã không phải xử nặng. Danh ông không bị thương tổn. Nhưng là bậc công khanh của Thiên Tử thì quyết không thể tha. Trong cơn giận, ông nói năng bỗ bã, dung tục kiểu ngôn ngữ thị dân. Nếu Nguyễn Huệ mắng vùi, không cho Khải trần tình, thì Nguyễn Ánh lại đối thoại bình đẳng với Toàn. Nguyễn Ánh là một người say mê quyền lực và để có nó, ông phải làm một ông vua bất đắc dĩ. Ông tỏ ra thực dụng, lạnh lùng, tàn nhẫn và tiềm ẩn đâu đó ý thức dân chủ tự phát. Tiếp xúc với phương Tây, Nguyễn Ánh có một nhân sinh quan khác với tất cả các ông vua trước.
Vinh Hoa hát hai bài cho hai ông vua nghe. Nhưng cả hai ông vua đều đã chết trong ngoài hai trăm năm. Vinh Hoa lại không phải là nhân vật lịch sử, cũng không phải là nhân vật tính cách được điển hình hóa giống như thật để ta có thể nhầm tưởng cô là người tình trong mộng của hai vị hoàng đế. Vinh Hoa là nhân vật chức năng do một người cùng thời với chúng ta bịa ra. Vậy, hai bài hát của Vinh Hoa không phải dành cho hai ông vua mà dành cho nhân vật đa thanh ngoài tác phẩm - dành cho chúng ta. Tôi xin "diễn nôm" hai bài hát đó.
Bài thứ nhất:
Tầng lớp thương nhân xuất hiện như một lực lượng sản xuất mới. Đó là mây ngũ sắc báo điềm lành. Nhưng nhà vua không thấy, chỉ tin vào Thiên mệnh (Con Tạo xoay vần), nên vận hội buột khỏi tầm tay (Ai biết gặp nhau ở đâu). Ông có tham vọng lớn. Ông muốn thu phục vùng Lưỡng Quảng của Trung Quốc và xem Nguyễn Ánh "chỉ thây ma, sẽ bị đánh tan dễ như bẻ cành khô, củi mục". Ông xuất thân áo vải. Từ nhỏ đã chơi những trò chơi dân dã: đuổi bắt đom đóm ở góc vườn. Ông dựng cờ khởi nghĩa vì tiếng kêu cứu của trăm họ lầm than. Nhưng khi thành đạt, ông lại ngồi trên ngai cao như các vua chúa trước đó. ông là ông vua đáng kính, biết lo việc nước. Nhưng những người khôn ngoan sẽ không biện bạch siêu hình (có quỷ thần hay không có quỷ thần) mà thấy tất yếu triều đại ông sẽ sụp đổ nhanh chóng (nhìn từng giọt đồng hồ rơi mà run sợ).
Bài thứ hai:
Nguyễn Ánh đã biết trước mối quốc họa: nước không mạnh, nước khó còn. Là một chính khách sáng suốt, ông thấy, ông thấy gió mây có biến hoá, thời thế đã đổi thay. Là môt vị vua, ông không muốn từ bỏ vương quyền. Để giữ vương quyền, ông phải vào vai một đấng Thiên Tử mẫu mực như là cái gốc lớn của thiên hạ, như là cây cao bóng cả trùm lên muôn dân. Muốn thế, ông phải giữ chữ "thường" của Chính đạo thuần vương, mặc dù trong sáu đức thường của Chính đạo thuần vương ông khinh bốn. "... Dùng người lấy chữ hiệp, chữ lễ làm trọng, không coi nhân, nghĩa, trí, tín ra gì". (Kiếm sắc).
Đánh giá nội dung hai bài hát là công việc không của riêng ai, nhưng trước hết, và nhiều người mong đợi, là của các nhà nghiên cứu lịch sử có tài năng, có bản lĩnh và tâm huyết.
Câu đối cuối truyện nghe thật buồn cười: Một cô gái đẹp sự nhị quân mà vẫn vĩnh thủ trinh tâm! Nếu Vinh Hoa là nhân vật tính cách thì rất phi lý. Nhưng Vinh Hoa là nhân vật chức năng thì điều phi lý trở thành nghịch lý, buộc ta phải phản tỉnh để thẩm định lại sự hiểu biết của mình.
Nguyễn Huy Thiệp không viết truyện lịch sử giả, không viết truyện lịch sử thật. Anh chỉ nêu lên một nghi án lịch sử từ góc nhìn nghệ thuật. Tôi biết Nguyễn Huy Thiệp không tính toán được mất hơn thua. Nhưng sau bao điều tiếng thị phi, cuối cùng cũng đã có người thấy: "Sự thật, Gia Long... cần được đánh giá lại cho khoa học hơn. Khách quan hơn" (171). Chừng ấy, liệu có bõ bèn cho công sức của anh?