Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, tên chính thức của công trình kiến trúc này là Tàng Thư Lâu (lầu chứa sách), còn người Huế xưa nay đều gọi là lầu Tàng Thơ. Đây là kho lưu trữ quốc gia của triều đình nhà Nguyễn.
Tòa nhà bắt đầu được xây dựng vào mùa hè năm 1825 và hoàn thành năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng, gồm 2 tầng. Tầng dưới 11 gian, tầng trên 7 gian, 2 chái, nằm trên một hòn đảo hình chữ nhật. Đảo nằm giữa hồ nhân tạo khá lớn, gọi là hồ Học Hải, nối với đất liền bằng chiếc cầu đá duy nhất.
Tất cả sổ sách của 6 Bộ và các Nha sau từng năm đều được chuyển đến lầu Tàng Thơ cất giữ. Riêng Bộ Hộ, sổ địa bạ thời vua Gia Long và Minh Mạng ở đây lưu trữ đến 12.000 tập.

Lầu Tàng Thơ ở Kinh thành Huế. Ảnh: Võ Thạnh.
Các nhà kiến trúc thời Minh Mạng đã thiết kế và xây dựng lầu Tàng Thơ rất khoa học. Hàng chục nghìn tập văn kiện bằng giấy bổi rất dễ cháy và dễ bị mối mọt gặm nhấm. Vì thế họ đã xây dựng tòa nhà ở giữa hồ, cách ly với đất liền, tránh sự lây lan của hỏa hoạn từ đất liền và bảo vệ tư liệu quốc gia khỏi bị thất thoát.
Ngoài ra, triều đình còn cho rải chất lưu huỳnh trên mặt đất để trừ khử mối mọt, kiến gián. Ở tầng trên, nơi chứa tư liệu, xung quanh trổ nhiều cửa để không khí luân lưu ra vào, tránh được sự ẩm mốc.
Năm 1947, toàn bộ sổ sách ở Lầu Tàng Thơ được chuyển đến Viện Văn hóa đóng tại trường Quốc Tử Giám cũ. Năm 1963, khối tư liệu khổng lồ đó cùng với những loại tư liệu quý khác đã được chuyển lên Đà Lạt để bảo quản. Năm 1978, chúng được đưa về Sài Gòn và năm 1991 chở ra Hà Nội.
>>Quay lại