Theo sách Huế, kinh thành và cung điện, đàn Xã Tắc được xây dựng năm 1806 dưới thời vua Gia Long trong Kinh thành Huế, mục đích là cúng tế thần Xã (tức là thần đất) và thần Tắc (tức là thần lúa).
Khi xây dựng, nhà vua đã ban chiếu cho tất cả các thành, dinh, trấn trên toàn quốc, yêu cầu chở về kinh đô Huế đất sạch, chắc để đắp đàn Xã Tắc. Riêng 11 trấn từ Ninh Bình trở ra, vua truyền phải chở vào Huế 256 tấn đất. Như vậy, đất đắp đàn là của cả nước, tượng trưng cho máu thịt của toàn quốc.
Theo mô tả trong sử sách triều Nguyễn, tổng diện tích đàn Xã Tắc lên đến 6 ha, nằm giữa 4 con đường hiện nay là Ngô Thời Nhiệm, Trần Nguyên Hãn, Trần Nguyên Đán và Nguyễn Cư Trinh. Đó là chưa kể hồ Xã Tắc nằm phía bắc đường Ngô Thời Nhiệm và tấm bình phong nằm ở phía nam đường Trần Nguyên Hãn.
Đàn được xây theo nguyên tắc âm dương ngũ hành, gồm 2 tầng, mặt bằng hình vuông. Tầng dưới cao 1,2 m, mỗi cạnh 70 m, có bậc thềm bằng đá để lên xuống, xung quanh xây lan can. Tầng trên cao 1,6 m, mỗi cạnh dài 28 m. Bên ngoài tầng dưới là vòng la thành hình chữ nhật xây bằng đá, cao 12 m, dày 0,75 m.
Triều đình nhà Nguyễn tổ chức cúng tế ở đây mỗi năm hai lần, vào tháng 2 và 8 âm lịch. Các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức nhiều lần đến làm chủ lễ.
Sau năm 1975, hầu hết bộ phận kiến trúc của đàn Xã Tắc đã trở thành phế tích.
>>Quay lại