Nắm được âm mưu của nhà Tống, Lý Thường Kiệt tâu với vua Lý Nhân Tông và Linh Nhân Thái hậu rằng “Ngồi im đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn thế mạnh của giặc”. Được sự đồng ý của thái hậu và nhà vua, Lý Thường Kiệt đã lãnh đạo quân dân Đại Việt tổ chức cuộc tập kích bất ngờ vào thẳng đất Tống nhằm phá tan các căn cứ của quân Tống ở Khâm Châu, Liêm Châu, đặc biệt là căn cứ hậu cần quan trọng nhất của Tống ở Ung Châu.
Quân Lý khởi binh vào cuối năm Ất Mão (1075). Với những tính toán kỹ lưỡng về phương án tác chiến, quân Lý Thường Kiệt liên tục giành thắng lợi và san phẳng cứ điểm của địch ở các địa điểm trên. Thậm chí, với sự khéo léo, Lý Thường Kiệt còn khiến dân Tống ủng hộ cuộc kháng chiến để tự vệ của nhà Lý. Trong trận đánh này, quân Lý đã giết được hơn 100.000 tên địch, đánh chiếm thành công Ung Châu, tòa thành kiên cố được dựng với biết bao công sức và tiền của nhà Tống, chỉ trong 42 ngày đêm.
Sách Lịch sử Việt Nam nhận định chiến thắng ở căn cứ hậu cần đặc biệt Ung Châu là trận mở đầu, có ý nghĩa lớn vì nó không chỉ là bộ phận khăng khít của toàn bộ cuộc kháng chiến mà còn làm xoay chuyển cục diện, từ thế bị động sang thế hoàn toàn chủ động. Khi đã phá tan những căn cứ quan trọng của Tống trên đất Tống, Lý Thường Kiệt quyết định rút quân mau lẹ trở về tổ chức phòng thủ đất nước, sẵn sàng chờ giặc đến để đánh.
Câu 5: Nắm rõ mục tiêu của quân Tống, Lý Thường Kiệt đã cho xây dựng chiến tuyến phòng thủ trên sông nào?