![]() |
Sóc đất. |
Sóc đất 13 vạch (nó mang cái tên này là do có 13 vạch đen trắng trên lưng) chỉ dài khoảng 14 cm, sống chủ yếu ở vùng Trung Mỹ. Chúng là đối tượng nghiên cứu của rất nhiều phòng thí nghiệm, vì khả năng ngủ đông tuyệt vời. Mỗi mùa đông, sóc đất tuyệt thực trong 6 tháng trời, nhờ làm giảm nhịp tim, tốc độ trao đổi chất và hạ nhiệt độ cơ thể xuống trên mức đóng băng. Đây là một trong những đặc điểm sinh lý kỳ diệu nhất trong giới tự nhiên, vì sóc có thể duy trì sự sống của các nội tạng ở nhiệt độ cực thấp, kéo dài vài tháng. Trong điều kiện tương tự, người và hầu hết các động vật khác sẽ chết.
Hannah V. Carey, giáo sư sinh học tại Trường Thú y, ĐH Tổng hợp Wisconsin ở Madison (Mỹ) tin rằng, nếu cơ chế ngủ đông của sóc được làm sáng tỏ, thì khoa học sẽ có khả năng giữ nội tạng người (chẳng hạn gan) ngoài cơ thể lâu hơn, phục vụ cho việc cấy ghép. Hiện tại, một bộ gan khi được tách khỏi cơ thể người hiến sẽ bắt đầu suy thoái chỉ sau vài giờ (dù được bảo quản lạnh). Trong khi đó, thân nhiệt của sóc đất khi ngủ đông cũng gần tương đương với nhiệt đóng băng.
Tại khuôn viên của ĐH Wisconsin, Carey và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu trên 20 con sóc đất đang ngủ đông. Họ lấy các bộ gan của chúng đem ướp lạnh, để xem khả năng tồn tại ngoài môi trường. Kết quả sau đó được so sánh với thời gian tồn tại của gan chuột, một loại động vật thí nghiệm phổ biến khác. Nhóm nghiên cứu nhận thấy, sau 96 giờ ướp lạnh, gan sóc đất không hề có dấu hiệu bị hư hỏng, trong khi gan chuột hầu như đã vô tác dụng chỉ sau 24-48 giờ.
Các phân tích kỹ hơn sau đó chỉ ra rằng, dường như để chuẩn bị cho quá trình ngủ đông, gan sóc đã tiết ra một số loại protein nào đó. Tuy nhiên, chính xác là protein gì thì khoa học vẫn chưa biết. Các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Bắc Carolina ở Raleigh cho rằng các protein đó có liên quan đến 2 gene. Một gene có tác dụng bẻ gẫy các phân tử acid béo, chuyển chúng thành dạng chất béo dễ sử dụng, tạo ra năng lượng cho quá trình ngủ đông. Gene kia giúp duy trì lượng đường trong cơ thể sóc.
Hiện tại, các nghiên cứu vẫn được tiếp tục, nhằm xác định những gene giúp sóc bảo quản nội tạng trong giấc ngủ dài, cũng như chuẩn bị trạng thái sức khỏe tốt nhất khi chúng thức dậy đột ngột. Matthew Andrews, trưởng nhóm nghiên cứu của ĐH bang Bắc Carolina, nhận định, nếu hiểu thấu đáo quá trình ngủ đông của sóc, chúng ta có thể trang bị tốt hơn để đối phó với những thay đổi khắc nghiệt của môi trường. Và có thể một ngày nào đó, sau giấc ngủ dài, khi mở mắt ra, chúng ta đã có mặt ở những hành tinh xa lạ khác.
B.H. (theo ABC)