Trong cuộc họp, nội dung đề xuất được đưa ra là tiến hành thí điểm đón khách quốc tế trên nhiều phương diện, từ lựa chọn thị trường khách, quy trình đón khách, điểm đến an toàn và doanh nghiệp. Sau đó, với sự đóng góp ý kiến của các bộ ban ngành, TCDL sẽ xây dựng phương án, tham mưu lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL), trình Thủ tướng Chính phủ.
Các thị trường khách quốc tế mà ngành du lịch nhắm đến là các quốc gia và vùng lãnh thổ chống dịch tốt, có hợp tác song phương. Tại Việt Nam, các địa phương được lựa chọn để thí điểm chọn khách cần đảm bảo tiêu chí ủng hộ chính sách mở cửa. Ngoài ra là điểm đến hấp dẫn, đủ năng lực đảm bảo an toàn, phòng chống dịch Covid-19.
Các chuyến bay chở khách quốc tế sẽ được triển khai theo hình thức charter, để đảm bảo toàn bộ khách du lịch cùng đến một điểm. Trong hệ thống doanh nghiệp đón khách quốc tế, các đơn vị được lựa chọn phải có quy mô, năng lực tổ chức và tiềm lực kinh tế. Như vậy mới có thể đón và phục vụ du khách, đồng thời có thể xoay sở trong các tình huống phát sinh khẩn cấp.
Các đại biểu tham dự cuộc họp bày tỏ sự đồng thuận về tính cấp thiết của việc nghiên cứu, đề xuất việc mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Đặc biệt khi việc tiêm phòng vaccine Covid-19 đang được triển khai rộng rãi ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, tạo cơ hội thuận lợi để mở lại hoạt động đi lại, kết nối giao thương, phát triển kinh tế.
Ngoài ra cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, khoa học giữa các cơ quan, bộ ngành liên quan, trong đó Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL là đơn vị đầu mối kết nối các cơ quan liên quan cùng phối hợp triển khai.
Cuộc họp trên được TCDL tổ chức, nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất mở cửa đón khách du lịch quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, giao Bộ VHTTDL thực hiện ngày 23/3.
Kinh nghiệm từ thị trường quốc tế
Trước đó, vào giữa tháng 3, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã gửi thư đến Thủ tướng Chính phủ, về mở cửa trở lại du lịch quốc tế, gồm 3 nội dung đề xuất.
Đề xuất đầu tiên là thành lập nhóm công tác, gồm nhiều đại diện từ các bộ ban ngành, để cùng xây dựng lộ trình đón khách du lịch an toàn. Nhóm chuyên gia sẽ bàn và thống nhất về tiêu chí lựa chọn thị trường khách; bộ quy chuẩn về hộ chiếu Tiêm chủng, kiểm tra Covid trước chuyến bay và kiểm tra khi đến; bảo hiểm y tế. Ngoài ra, TAB cũng đề xuất Việt Nam cần có chính sách visa cởi mở hơn và nhanh chóng xây dựng một chương trình quảng bá, nhắm tới du khách quốc tế.
Trong thư dẫn chứng về một số chính sách mở cửa ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực, đặc biệt là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Trong đó, Singapore đã thiết lập 2 hình thức đi lại với một số quốc gia được phê duyệt, thông qua Thẻ thông hành hàng không và Làn xanh đối ứng.
Thẻ thông hành hàng không dành cho du khách từ Australia, Brunei, Trung Quốc đại lục, New Zealand và Đài Loan. Còn Làn xanh đối ứng đã được thiết lập với Brunei, Trung Quốc đại lục và một số thị trường khác nhưng đang tạm dừng nhận hồ sơ như Đức, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia và Hàn Quốc.
Ngoài ra là Thái Lan đang xem xét cho phép giảm thời gian cách ly, đối với tất cả du khách có xác nhận xét nghiệm âm tính với Covid trước chuyến đi, hoặc chứng chỉ tiêm vaccine. Maldives đã thành công trong việc mở cửa du lịch và có một mùa du lịch rất thành công. Du khách được yêu cầu đặt vé, làm xét nghiệm PCR 72 giờ trước khi đi du lịch.
Trước đại dịch Covid-19, ngàng du lịch đóng góp hơn 10% GDP và sử dụng một lực lượng lao động rất lớn, tạo ra doanh thu hơn 30 tỷ USD một năm. Việc mở cửa lại thị trường quốc tế, sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, các dự án đầu tư FDI mới, hạ tầng và các dự án khác cần nguồn chuyên gia nước ngoài.
TAB nhấn mạnh, với chương trình tiêm vaccine đại trà đang diễn ra ở nhiều nước, một số đối thủ cạnh tranh của Việt Nam đã bắt đầu lập kế hoạch tái mở cửa biên giới theo cách an toàn. Nếu Việt Nam không sớm chuẩn bị mở cửa lại thị trường quốc tế thì dễ đánh mất cơ hội đón đầu.
Lan Hương