Mendez là một trong số ít người may mắn tìm được nơi ở và công việc tại thành phố đang đối mặt khủng hoảng về sắp xếp chỗ ăn ở, việc làm, y tế cho dòng người tị nạn đang đổ về New York.
Mendez từng làm đầu bếp, kỹ thuật viên truyền hình ở quê nhà Venezuela, nhưng không có giấy phép làm việc hợp pháp khi tới Mỹ xin tị nạn. Tuy nhiên, sau một tuần đặt chân đến Mỹ, anh xin được vào làm tại một nhà hàng ở quận Queens, giúp anh có thu nhập trang trải cuộc sống. Một gia đình ở địa phương cũng cho phép anh trú ngụ trong nhà của họ.
"Tôi muốn làm đầu bếp hoặc công việc trong ngành truyền hình. Đó là lý do tôi đến đây", người đàn ông 40 tuổi nói.
Nhưng không phải người tị nạn nào cũng may mắn như Mendez trong hành trình tìm kiếm giấc mơ Mỹ. Nhiều người vẫn phải đợi 150 ngày sau khi nộp đơn xin giấy phép để được đi làm.
Từ tháng 4 đến nay, 17.000 người xin tị nạn đã kéo tới New York, nhiều người đang phải ở tạm trong các khu lều trại. Hàng chục nghìn người di cư Venezuela đã bị chặn ở biên giới phía nam trong năm qua và những tháng gần đây.
Vài tuần trước cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào ngày 8/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quy định chỉ tối đa 24.000 người xin tị nạn Venezuela được phép nhập cảnh hợp pháp vào nước này qua các sân bay.
Chính quyền ông Biden sẽ trục xuất bất cứ ai vượt biên bằng đường bộ, tái kích hoạt sắc lệnh khẩn cấp được ban hành dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, từ chối tiếp nhận hồ sơ xin tị nạn với lý do ngăn ngừa Covid-19.
"Từ giữa tháng 8, chúng tôi nhận thấy số lượng người xin tị nạn tăng nhanh", Jay Alfaro, người quản lý các dịch vụ xã hội ở Nhà thờ Các thánh Tông đồ tại Manhattan, New York, nói. "Câu hỏi thường nghe nhất ở đây là 'Anh có biết chỗ nào cần tìm người làm không?'"
Nhà thờ Các thánh Tông đồ điều hành một trong những chương trình hỗ trợ người tị nạn lớn nhất nước Mỹ, cung cấp thực phẩm, tư vấn pháp lý, chỗ ở và dịch vụ y tế cho những người tìm kiếm giấc mơ Mỹ.
Naisary Angulo, người Venezuela, cùng chồng và con gái ba tuổi đến nhà thờ để được ăn một bữa trưa từ thiện nóng sốt. Sau 50 ngày vạ vật, người phụ nữ 29 tuổi này cùng chồng con được văn phòng thị trưởng sắp xếp chỗ ngủ trong một khách sạn.
New York là thành phố duy nhất tại Mỹ có điều luật yêu cầu chính quyền cung cấp nơi trú ẩn cho bất kỳ ai có yêu cầu.
Tuần trước, New York lấp đầy khu lều trại dành cho người tị nạn trên đảo Randall ở sông Đông với sức chứa 500 người. Chính quyền đang đàm phán để tìm chỗ ở cho người tị nạn trên một tàu du lịch.
Với người nhập cư mới đến, thành phố cũng tạo điều kiện cho họ tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế, học tiếng Anh và kỹ năng, giúp trẻ em có cơ hội đến trường.
Nhưng nhiều người tị nạn cho hay quá trình xin giấy phép lao động mất rất nhiều thời gian. Mendez phải chờ tới năm 2024 mới được hẹn gặp cơ quan di trú để xin loại giấy phép này.
Thị trưởng New York Eric Adams đã thúc giục chính quyền liên bang thông qua luật cho phép người tị nạn tìm kiếm việc làm "ngay lập tức, không phải chờ 6 tháng".
Alfaro cho hay chi phí thuê nhà ở New York rất cao. Thành phố luôn trong tình trạng thiếu nhà ở, nên người tị nạn mới đến đối mặt nhiều thách thức. Những lao động kiếm được việc làm với mức lương tối thiểu 15 USD/giờ phải làm việc 111 giờ một tuần mới đủ tiền thuê căn hộ một phòng ngủ.
Thị trưởng Adams cho rằng tình hình hiện nay "không bền vững", khi New York cần chi 500 triệu tới một tỷ USD để cung cấp chỗ ở cho dòng người tị nạn.
Ông Adams cho rằng các thành phố khác ở Mỹ nên chia sẻ gánh nặng này, bởi New York chưa từng "đưa ra bất kỳ thỏa thuận nào về việc phải hỗ trợ hàng nghìn người tị nạn".
Với Mendez, giấc mơ Mỹ đang trở thành hiện thực. Anh kiếm được 800-1.200 USD mỗi tuần, cao hơn nhiều so với 600 USD mỗi tháng ở quê nhà, nơi hai con tuổi thiếu niên vẫn cần được chu cấp. "Nếu dám ước mơ, bạn sẽ làm được", anh nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)