Một bức di ảnh của Hạ sĩ Thomas "Cotton" Jones. Ảnh: AP |
Trước khi bị một lính bắn tỉa Nhật giết ở Trung Thái Bình Dương năm 1944, Hạ sĩ Thomas "Cotton" Jones viết lời đề nghị cuối đời dành cho bất cứ ai nhặt được cuốn nhật ký của anh: "Nếu quyển nhật ký này bị thất lạc và nếu có thể, làm ơn gửi nó cho cô Laurae Mae Davis. Địa chỉ. Winslow, Indiana".
Davis, người yêu thưở trung học của Jones đã không đọc được quyển nhật ký, cho tới gần 70 năm sau đó, khi cụ bà 90 tuổi nhìn thấy nó trong một tủ trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Thế chiến II, bang Louisiana, Mỹ mới đây.
"Tôi không hề biết có cuốn nhật ký ở đó", AP dẫn lời bà Davis nói và cho biết cuốn sổ cùng lời yêu cầu của người yêu cũ khiến bà rơi nước mắt.
Bà Laura Mae Davis Burlingame, người đã kết hôn với một sĩ quan không quân Mỹ năm 1945, hôm 24/4 đến bảo tàng ở New Orleans để tìm kỷ vật tưởng nhớ người yêu thưở trung học, một chàng lính lục quân.
"Tôi nhận ra những bức ảnh của anh ấy, của những đồng đội anh cùng phục vụ và bài báo về nơi anh công tác", bà nói. Bà sửng sốt khi tìm thấy quyển nhật ký của anh lính 22 tuổi.
Người phụ trách bảo tàng Eric Rivet cho bà đeo găng tay trắng để có thể chạm quyển nhật ký. Đây là lần đầu tiên trong 17 năm làm việc tại bảo tàng, anh mới tận mắt thấy một con người được nhắc đến trong nhật ký bằng xương bằng thịt.
Cuốn nhật ký thời thế chiến thứ hai của Jones. Ảnh: AP |
Jones và Davis gặp nhau trong lớp niên khóa 1941 ở trường trung học phổ thông Winslow. "Anh ấy là cầu thủ bóng rổ còn tôi là thành viên đội cổ vũ", bà nói.
Jones đã tặng bà chiếc nhẫn tốt nghiệp nhưng họ không đính hôn, bà cho hay. Họ hẹn hò trong suốt quãng đời học sinh trung học và còn đi dự tiệc tốt nghiệp cùng nhau.
Anh viết dòng nhật ký đầu tiên khi là một binh nhất tại trại Elliott ở San Diego, chưa đầy một năm trước khi bị bắn chết. Anh gọi nó là "lịch sử cuộc đời tôi những ngày trong thủy quân lục chiến Mỹ... Và hơn tất cả, tình yêu của tôi dành cho Laura Mae, người chiếm trọn trái tim tôi. Vì vậy, nếu bạn có cơ hội, làm ơn gửi trả nó cho cô ấy. Tôi đang viết điều này như là lời đề nghị cuối cùng của cuộc đời".
Một viên đạn của lính bắn tỉa Nhật găm giữa hai mắt của Jones vào ngày 17/9/1944, tức ngày thứ ba trong cuộc đột kích của lính Mỹ lên đảo Peleliu, Palau. Anh là một trong 1.794 người Mỹ thiệt mạng ở Peleliu và những đảo ở gần đó trong cuộc đột kích kéo dài hai tháng rưỡi. Khoảng 7.302 người Mỹ khác bị thương, 10.900 lính Nhật thiệt mạng.
Đọc thêm: Những trận đánh kinh điển trong Thế chiến II
Bà Burlingame bên bức ảnh chụp bà thời trẻ trong nhật ký của Jones. Ảnh: AP |
Bà Burlingame không biết vì sao bà chưa bao giờ nhận được quyển nhật ký. Bà cho rằng rõ ràng nó đã được gửi đến chị gái của Jones đầu tiên, người bà không biết nhiều.
Robert Hunt, cháu trai của Jones, người gửi những di vật còn lại tới bảo tàng năm 2001, cho biết anh nhận được cuốn nhật ký vài năm sau khi chú Jones qua đời nhưng lo rằng nếu đưa nó cho Burlingame có thể gây rắc rối cho hôn nhân của bà.
Nhưng thực tế không phải vậy. "Chồng tôi và Tommy (Thomas) là những người bạn tốt", bà nói. Khi biết Hunt đang thu thập những món đồ lưu niệm cho bảo tàng, Burlingame cho hay bà đã đưa cho anh những bức ảnh và chiếc nhẫn tốt nghiệp.
Những dòng cuối cùng của quyển nhật ký được viết trên tàu USS Maui hôm 1/12/1943, và Jones viết nhờ thắng cược 200 USD, anh có tổng cộng 320 USD. Anh cho hay nếu ở nhà, "Laura Mae và tôi sẽ có một Giáng sinh tuyệt vời". Jones cũng suy nghĩ về việc gửi tiền về cho người yêu như một món quà Giáng sinh.
Bảo tàng đã chụp lại quyển nhật ký và gửi bà một bản làm kỷ niệm. Cuốn nhật ký với bìa cỡ 10 x 17 cm có dán bức ảnh của bà Burlingame. Đây là bức ảnh đen trắng, nhưng người chụp đã tô chút hồng lên má và màu đỏ thẫm lên môi cô thiếu nữ. Trên ảnh là chữ ký của bà Burlingame: "Yêu anh, Laurie".
Trọng Giáp