Ngày 5/1, trong phòng tiếp tân của Sở cảnh sát Guiwu, thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, Manman, người đã mất tích 18 năm nhìn ra ngoài cửa sổ, xoa tay qua lại. Cô đang chờ đợi sự xuất hiện của cha mẹ ruột.
Vợ chồng ông Yin bước vào phòng. Nhìn thấy Manman, họ òa khóc và ôm chầm lấy con: "Bố mẹ đã tìm con 18 năm, cuối cùng cũng tìm thấy con". Ba người khóc rất lâu, bên cạnh là những món đồ chơi yêu thích của Manman thời nhỏ mà bố mẹ cô mang theo.
Manman mất tích ở quê nhà Quý Châu vào 18h ngày 30/12/2002, khi bốn tuổi. Bất ngờ ngày này năm nay, gia đình ông Yin nhận được cuộc gọi từ cảnh sát thông báo ADN của cô gái Manman ở Nam Kinh có quan hệ huyết thống với ông.
Ngày 15/10/2020, đồn cảnh sát Guiwu phát hiện con gái của ông Sun Mou ở làng Zhougang đã 22 tuổi nhưng không có hộ khẩu và cũng không có một giấy tờ tùy thân nào. Ông Sun khai chỉ là bố nuôi của Manman. Nhiều năm trước ông gặp người phụ nữ tên Peng, đến từ Quý Châu. Cô Peng không thể có con nên đã đón từ Quý Châu về một đứa trẻ bốn tuổi. Hơn một năm sau, Peng bỏ đi, để lại Manman cho Sun nuôi.
Manman cho biết chắc chắn cô đã bị bắt cóc. "Tôi nhớ cô ấy (Peng) đã cho tôi một viên kẹo và dẫn tôi đi chơi, sau đó dẫn tôi lên tàu. Tôi hét lên thì cô ấy che miệng, yêu cầu tôi từ nay phải gọi là mẹ", Manman khai với cảnh sát.
Không có giấy tờ, Manman chỉ có thể học tiểu học. Sau đó, cô bé phải ở nhà làm nông. Năm 2014, Manman ra ngoài làm việc, do không có giấy tờ tùy thân cô cũng không tìm được việc làm tử tế. "Tôi không biết tôi bao nhiêu tuổi, tôi chưa từng có sinh nhật. Cái tên tôi dùng là tên đăng ký khi còn tiểu học", Manman nói.
Lớn lên trong hoàn cảnh đó cô rất nhút nhát, thường trốn trong phòng khi có người đến nhà. Khi chuyển đến Nam Kinh làm việc, cô làm bồi bàn, may mắn gặp được chủ tốt, hiện kiếm được 2.500 tệ mỗi tháng. Sống ở đây cô biết đến món mì tương ớt của Quý Châu và rất thích ăn. "Không ngờ được tôi lại là người Quý Châu", cô nói.
Dù bị chia cắt khỏi gia đình từ năm 4 tuổi, cô vẫn nhớ ngày bé thích cười, ăn quà vặt và thường đòi mẹ mua đồ ăn cho. "Tôi nhớ tóc mẹ tôi rất dài và rất đẹp. Nhà tôi có cầu thang dẫn lên tầng 2", Manman chia sẻ.
Về phần gia đình ông Yin, vẫn nhớ như in ngày con mất tích. Lúc đó là chập tối, gia đình bảo Manman ra cổng gọi dì về ăn cơm, nhưng đi lâu mà không thấy về. Gia đình tìm con khắp nơi không thấy.
Trong 18 năm qua họ chưa bao giờ bỏ cuộc tìm con. Gia đình đã đi các làng mạc từ Quý Châu, Quảng Châu, Nam Kinh, Sơn Đông và những nơi khác. Họ gõ cửa từng nhà và đưa ra ảnh con. Họ cũng nộp ADN đến các sở cảnh sát. Vợ ông khóc suốt ngày, khiến tổn thương võng mạc.
Cách đây vài năm, ông Yin, người không biết chữ, bắt đầu học chữ và đăng các video ngắn trên nhiều nền tảng xã hội để tìm con gái. Đến nay Yin đã tạo ra hàng trăm video tìm con, với tài khoản "Người cha tìm con mất tích".
Phía cảnh sát tiếp tục điều tra dấu hiệu Manman bị bắt cóc hay mất tích. Còn Manman giờ cuối cùng đã biết tên tuổi, gia đình của mình. Cô gái cho biết sẽ nhớ công ơn dưỡng dục của Sun Mou nhưng không tha thứ cho Peng. Dù cuộc sống khó khăn, nhưng ở Nam Kinh cô đã có nhiều bạn tốt. Hiện cô mở một cửa hàng trực tuyến bán đồ hanmade, khá phát đạt.
Ngày đoàn tụ, mẹ cô vẫn giữ nguyên mái tóc dài như năm xưa. Manman thừa hưởng mái tóc của mẹ nên cũng rất dày mượt.
Video Manman gặp lại bố mẹ sau 18 năm:
Bảo Nhiên (Theo Sohu)