![]() |
Đưa xác nạn nhân đi mai táng. Ảnh: Chụp từ màn hình VTV1. |
Trước nguy cơ các em còn lại có thể bị trôi ra biển, tỉnh đã chỉ đạo dùng lưới chặn ở Ba Ra (huyện Đô Lương). Tại mỗi huyện nằm dọc sông vẫn có 3-4 điểm chốt chặn trực 24/24 để tìm thi thể các em. Trong khi đó, đội thợ lặn 6 người của Hải Phòng được Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn điều lên, đang cố gắng mò chiếc đò bị chìm. Nhiều ý kiến cho rằng có thể xác nạn nhân bị con đò úp lên.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, tỉnh Nghệ An hiện có 114 bến đò đưa khách qua sông và hầu như bến nào cũng có học sinh qua lại hằng ngày. Dù không phải là bến đò nguy hiểm, bởi chỉ mùa lũ nước mới chảy xiết, nhưng bến đò này lại thường xảy ra tai nạn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phê bình UBND tỉnh Nghệ An. Sáng 8/10, Thủ tướng đã có công điện gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân. Để khắc phục hậu quả vụ việc, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo tìm kiếm các cháu còn mất tích, thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người bị nạn. Thủ tướng phê bình UBND tỉnh vì đã để xảy ra tai nạn chết người đáng tiếc. Trước đó, Chính phủ đã có công điện yêu cầu các tỉnh đảm bảo an toàn giao thông đường thủy cho học sinh. |
Tháng 5 vừa qua, trong đợt kiểm tra trước mùa lũ, bến đò Chôm Lôm hoàn toàn không đủ tiêu chuẩn do phần lớn phương tiện của khu vực này chưa đăng kiểm. Tuy nhiên, do thiếu phương tiện đưa đón học sinh qua sông nên xã vẫn cho bến đò này hoạt động. Biện pháp duy nhất là lập biên bản xử phạt.
Ông Du cho biết, dù rất muốn làm cầu để tạo điều kiện cho người dân qua lại, nhưng tỉnh không có khả năng. Chi phí cho mỗi chiếc cầu lên tới 5-7 tỷ đồng. "Trong thời gian tới, học sinh tại bến Chôm Lôm vẫn phải qua sông bằng đò. Tuy nhiên, tỉnh sẽ hỗ trợ địa phương đóng phương tiện đạt tiêu chuẩn và đưa người lái đò đi tập huấn luật giao thông đường thủy", ông Du cho biết thêm.
Toàn huyện miền núi Con Cuông hiện có 8 bến đò đưa đón học sinh qua sông. Sau nhiều lần đề nghị, mới có một chiếc cầu treo được hoàn thành và 2 chiếc đang được thi công. Tuy nhiên, người dân chưa kịp mừng vì có cầu treo mới thì cơn lũ vừa qua đã cuốn trôi mất cầu.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Lê Tiến Hưng cho biết, Chôm Lôm là một trong 3 bản nằm độc lập bên tả ngạn sông Cả. Phương tiện qua lại duy nhất giữa hai bờ sông chỉ là những con đò độc mộc. Bản này có 77 em học sinh cấp 2. Học sinh nơi đây học rất khá, năm nào cũng có em đỗ đại học.
Sáng nay, THCS Lạng Khê bắt đầu dạy trở lại để ổn định tình hình. Riêng học sinh bản Chôm Lôm vẫn được nghỉ đến khi nào tìm thấy tất cả thi thể nạn nhân. Trước giờ học, thày cô giáo cùng học sinh đã tưởng niệm các nạn nhân xấu số, sau đó, các lớp đọc thư chia buồn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi nhà trường và gia đình các nạn nhân.
Vụ chìm đò thương tâm làm ít nhất 19 học sinh bị thiệt mạng và mất tích xảy ra hồi 6h30 ngày 7/10 trên sông Cả (tại bến đò Chôm Lôm, xã Lạng Khê, huyện miền núi Con Cuông). Trong số học sinh bị mất tích có 3 cặp là anh chị em ruột.
Trước đó, ngày 18/5/2003, vì vội về nhà nên gần 40 học sinh lớp 8 trường THCS Quế Trung (Quảng Nam) đã chen chúc nhau trên chiếc đò để qua sông Thu Bồn. Vừa ra khỏi bờ 7 mét, chiếc đò bị lật làm 18 em thiệt mạng. Người lái đò 80 tuổi bị khởi tố.
Trong vụ đắm đò này, UBND xã Quế Trung phải đền bù thiệt hại về vật chất và tinh thần cho 18 gia đình có con thiệt mạng, tổng số tiền 280.000.000 đồng.
Ngay sau tai nạn thương tâm, đồng bào cả nước đã đóng góp hàng tỷ đồng để xây cầu Nông Sơn.
Tiến Dũng