Giám đốc điều hành của Apple, Tim Cook, nói rằng ông ủng hộ ý tưởng về việc các công ty công nghệ phải đối mặt với các quy định về quản lý dữ liệu khách hàng. Phát biểu này được đưa ra tại Diễn đàn phát triển Trung Quốc tổ chức hôm qua 25/4 ở Bắc Kinh, khi ông được hỏi ý kiến về những gì sẽ xảy ra sau thất bại gần đây nhất của Facebook.
"Tôi nghĩ rằng tình huống của Facebook khá tồi tệ và nó đã trở nên quá lớn. Có thể sẽ tốt hơn nếu một số quy định được đưa ra", ông nói. "Việc bất kỳ ai cũng có thể biết những gì bạn đã xem trên web trong nhiều năm, thông tin liên hệ của bạn, những điều bạn thích và không thích cũng như mọi chi tiết riêng tư khác trong cuộc sống - theo quan điểm của tôi là không nên tồn tại".
Cook không nêu rõ những gì cần trong quy định cho các công ty công nghệ sau này nhưng ông nhấn mạnh rằng các nhà lập pháp nên quan tâm đến việc tạo ra các quy định về quyền riêng tư. Trước đó vài ngày, trong cuộc phỏng vấn trên CNN, Giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg, cũng có quan điểm tương tự.
Scandal rò rỉ dữ liệu của 50 triệu người dùng từ Facebook đã khiến mọi người xem xét lại cài đặt mạng xã hội này, cũng như nhiều người đã giật mình khi biết rằng một khối lượng lớn các ứng dụng bên thứ ba có quyền truy cập vào những thông tin cá nhân trên tài khoản của họ. Hầu hết mọi người đều không ý thức được mức độ nghiêm trọng của việc Facebook đã xây dựng chân dung mỗi cá nhân người dùng dựa trên sở thích tới các chi tiết khác được rút ra từ lịch sử tương tác với mạng xã hội.
"Những năm qua chúng tôi đã lo lắng rằng người dân ở nhiều quốc gia đang không để ý rằng dữ liệu cá nhân của họ đã được lưu vào những hồ sơ chi tiết. Rồi một ngày nào đó mọi người sẽ bị xâm phạm quyền tự do cá nhân bởi những gì mà họ chưa nhận thức được như thế này", ông nói.
Tuy nhiên, tuyên bố này của Tim Cook cũng khiến nhiều người phải "nhíu mày" suy nghĩ. Bởi mới đây, Apple đã giao quyền kiểm soát các tài khoản iCloud của người dùng Trung Quốc cho các cơ quan quản lý máy chủ ở quốc gia này, tuân thủ theo đúng luật pháp địa phương. Tức là, trong khi iPhone của công ty vẫn tiếp tục được bảo mật mạnh mẽ, các sao lưu trên iCloud lại có thể dễ dàng bị can thiệp và kiểm soát tại Trung Quốc. CEO của Apple cũng không nhắc đến việc giải quyết tình huống trên trong suốt thời gian xuất hiện tại sự kiện.
Vụ rò rỉ thông tin được cho là lớn nhất trong lịch sử Facebook được báo chí đăng tải ngày 17/3. Công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica bị phát hiện sở hữu lượng thông tin cá nhân của hơn 50 triệu tài khoản Facebook. Kho dữ liệu này được mua lại từ Aleksandr Kogan, giảng viên Đại học Cambridge thông qua việc thu thập thông tin dựa trên ứng dụng thisisyourdigitallife. Sự vụ gây rúng động bởi kho dữ liệu được cho là dùng để phân tích, tạo nội dung quảng cáo ủng hộ Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Con số 50 triệu tài khoản Facebook tương đương 25% số cử tri Mỹ trước giai đoạn bầu cử.