Theo đại diện TikTok, áp lực xã hội trong kỷ nguyên công nghệ, trải nghiệm không an toàn trên các nền tảng trực tuyến là một trong những nguyên nhân khiến sức khỏe tinh thần cộng đồng giảm sút. Cùng với đó, việc người dùng dành thời gian trực tuyến quá lâu kéo theo hàng loạt thách thức mới như lạm dụng thiết bị điện tử, nghiện game, nghiện mạng xã hội, bắt nạt qua mạng, lan truyền tin giả...
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tận dụng sức ảnh hưởng của nền tảng trực tuyến để nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần thông qua các chiến dịch trực tuyến toàn cầu. Mới đây, WHO phát động chiến dịch "Vì sức khỏe tinh thần: Hãy hành động" (#MoveforMentalHealth) trên tất cả các kênh YouTube, Facebook, Twitter, TikTok và LinkedIn nhân Ngày sức khỏe tinh thần thế giới (10/10) năm nay.
Hưởng ứng hoạt động của WHO, TikTok cũng khởi xướng nhiều chiến dịch riêng về sức khỏe tinh thần như #thinkb4youdo, truyền đi thông điệp "hãy suy xét kỹ trước khi thực hiện những hành vi tiêu cực hoặc thậm chí gây nguy hiểm như bắt nạt qua mạng, ngược đãi bản thân". Theo đó, người dùng TikTok có thể chia sẻ bí quyết giữ vững tâm lý, câu chuyện cá nhân về cách vượt lên vấn đề tinh thần, tạo môi trường an toàn và tích cực cho tất cả người dùng.
Đại diện TikTok đánh giá, việc khai thác tiềm năng của nền tảng số để thúc đẩy vấn đề sức khỏe tinh thần đang là giải pháp mang độ phủ rộng, đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị cho người dùng khả năng "đề kháng tinh thần" trong môi trường trực tuyến tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Với mục tiêu tạo ra một nền tảng sáng tạo toàn diện cho người dùng, TikTok không ngừng đẩy mạnh các sáng kiến thiết thực để kết nối, bảo vệ người dùng. TikTok còn xây dựng, phát triển bộ tiêu chuẩn cộng đồng, quy định những việc được và không được làm trên nền tảng, cung cấp nguồn tài nguyên thông tin hữu ích về sức khỏe tinh thần như phòng chống tự tử, đối phó bạo lực...
Những công nghệ hiện đại cùng đội ngũ kiểm duyệt nội dung của TikTok luôn có mặt 24/24, có nhiệm vụ lọc bỏ các nội dung không phù hợp, gây tổn hại tới tinh thần người dùng. Hãng còn ra mắt tính năng Family Pairing, cho phép cha mẹ quản lý trải nghiệm trực tuyến của con với nhiều chế độ như hạn chế, quản lý thời gian màn hình, kiểm soát mức độ sử dụng của trẻ, hạn chế nội dung không phù hợp.
Ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc chính sách của TikTok Việt Nam cho biết trải nghiệm an toàn và sức khỏe tinh thần của người dùng luôn là ưu tiên của nền tảng này. Trong đó, giới trẻ là đối tượng dễ bị tổn thương, lôi kéo trên không gian mạng. Để hỗ trợ nhóm này, công ty phát triển chính sách đảm bảo trẻ dưới 13 tuổi không được hoạt động trên nền tảng, trẻ dưới 16 tuổi bị hạn chế một số tính năng như nhắn tin trực tiếp cho nhau, cho phép tài khoản của cha mẹ quản lý tài khoản con cái, bảo đảm trẻ chỉ tiếp cận các nội dung tích cực.
Giám đốc chính sách của TikTok Việt Nam cũng cho rằng, sự bùng nổ của thời đại kỹ thuật số mang đến nhiều thách thức mới, đòi hỏi các nền tảng cần nỗ lực giúp người dùng cân bằng sức khỏe tinh thần.
"Đây không phải là bài toán của riêng cá nhân, tổ chức mà đòi hỏi sự chung tay, ý thức của cả cộng đồng để cải thiện sức khỏe tinh thần của chính mình, sau đó nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của toàn xã hội", ông Nguyễn Lâm Thanh nhận xét.
Hà Thanh