Với cộng đồng người dùng lớn mạnh, trải rộng mọi lứa tuổi, gia nhập thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam không lâu, TikTok nhanh chóng trở thành nền tảng quảng cáo của các thương hiệu Sunsilk, Viettel, Lotteria, Cocoxim... Những chiến dịch như "Dọn nghiệp thoát ế" và "Phượt đâu cũng mượt" cùng Sunsilk và "Viettel Cộng Cộng" với Viettel cho thấy hiệu quả từ hướng tiếp thị mới này.
Cụ thể, chiến dịch của Viettel thu hút hơn 39 triệu lượt xem và hơn 20.000 video được tạo ra trong thời gian ngắn. Trong chiến dịch này, Viettel kết hợp cùng TikTok lan toả điệu nhảy Viettel Cộng Cộng. Hãng viễn thông đạt tỷ lệ nhấp quảng cáo trên bảng tin lên đến 0,66%, trong khi con số trung bình toàn cầu khoảng 0,1-0,3%.
Chiến dịch "Viettel Cộng Cộng" đạt hiệu quả lớn trên TikTok.
Theo giới chuyên gia, có nhiều lý do để nền tảng này có thể làm nên chuyện trong thị trường quảng cáo mạng xã hội với các tên tuổi lớn như Facebook, YouTube. Đầu tiên, sự lên ngôi của xu hướng nội dung dạng video ngắn và tăng trưởng thế hệ khách hàng mới. Bên cạnh đó, TikTok mang đến cho nhãn hàng những giải pháp quảng cáo mới lạ, tập trung vào các tiêu chí ngắn, nhanh và hiệu quả. Những giải pháp này đã đem đến làn gió mới cho thị trường, giúp các nhãn hàng tăng độ nhận biết thương hiệu nhanh chóng.
Cụ thể, để gia tăng độ tiếp cận của thương hiệu với người tiêu dùng, TikTok mang đến các công cụ Brand Takeover (thương hiệu tiếp quản), cho phép hiển thị quảng cáo trong 5 giây ngay khi người dùng mở ứng dụng; Top View (thương hiệu xuất hiện hàng đầu) - cho phép hiển thị quảng cáo trong 15 giây, và In-feed Ads (quảng cáo trong bảng tin) cho phép video của thương hiệu tự động chạy trên bảng tin người dùng.
Với thời lượng ngắn, người dùng gần như không thể bỏ qua các video quảng cao. Nội dung các video cũng tập trung thu hút sự chú ý của người dùng, khơi gợi hứng thú với chiến dịch. Khi muốn tìm hiểu sâu hơn hay tham gia vào thử thách, người dùng có thể bấm vào liên kết trong quảng cáo để được dẫn đến chủ đề (hashtag) trên TikTok, hoặc trang web của nhãn hàng.

Các Hashtag challenge là một trong những công cụ đặc trưng của TikTok.
Khi mục tiêu của nhãn hàng là tăng mức độ tương tác với người dùng, TikTok đáp ứng với các công cụ đặc trưng - Hashtag challenge (thử thách theo chủ đề) và Brand effect (hiệu ứng thương hiệu). Với Hashtag challenge, nhãn hàng kết hợp với TikTok tạo ra các thử thách. Trong khi đó, với Brand effect, TikTok thiết kế những sticker riêng cho thương hiệu, thông qua đó truyền tải các thông điệp của nhãn hàng đến với người dùng một cách tự nhiên. Đây cũng là những công cụ làm nên sự khác biệt và độc đáo của TikTok.
Theo đại diện TikTok Việt Nam, khi tham gia vào Hashtag challenge hay dùng các Brand effect trong video của mình, bản thân người dùng sẽ trở thành một phần của chiến dịch. Thông qua phương thức này, người dùng sẽ chủ động tiếp cận thương hiệu, chứ không còn thụ động tiếp nhận quảng cáo, quan hệ giữa thương hiệu và người dùng trở nên sâu sắc hơn.
Khi hợp tác với các nhãn hàng, TikTok sẽ có đội ngũ tư vấn riêng về mặt nội dung, đảm bảo nhãn hàng có thể tối ưu hóa công cụ quảng cáo cho chiến dịch của mình.
"Tại TikTok, chúng tôi tạo cho các thương hiệu một cộng đồng riêng, cộng đồng ấy gắn kết và hiểu về thương hiệu. Những người dùng trong cộng đồng này sẵn sàng giới thiệu thương hiệu với người thân và bạn bè của họ. Đây là mục tiêu lâu dài các thương hiệu nhắm đến trong các chiến dịch truyền thông", ông Lionel Sim - Giám đốc cấp cao về Tiếp thị và Giải pháp kinh doanh, TikTok Ads toàn cầu chia sẻ.
Bảo An