Theo Wall Street Journal, TikTok tìm trụ sở mới nhằm chứng minh ứng dụng này không có bất kỳ liên hệ gì với chính phủ Trung Quốc, do đó các lo ngại về an ninh là không cần thiết. TikTok hiện không có trụ sở, nhưng văn phòng chính được đặt tại Los Angeles (Mỹ) và Giám đốc điều hành làm việc tại Thượng Hải.
Đại diện TikTok cho biết: "Chúng tôi thấy rõ cách tốt nhất để cạnh tranh tại toàn cầu là trao quyền cho các đại diện địa phương. TikTok đã liên tục xây dựng đội ngũ nhân sự của mình tại các quốc gia, nơi ứng dụng có mặt".
Năm 2019, TikTok phát triển mạnh và giành được thị phần lớn từ Instagram và Snapchat. Ứng dụng chế video, hát nhép này nhanh chóng đứng đầu bảng xếp hạng ứng dụng Mỹ với số lượt tải khổng lồ. Theo hãng phân tích App Annie, TikTok hiện có 665 triệu người dùng hàng tháng, trong đó có 20 triệu tài khoản Mỹ.
Tuy nhiên, TikTok cũng phải đối mặt với nhiều cáo buộc về an ninh. ByteDance, công ty mẹ của TikTok, bị các cơ quan lập pháp của Mỹ đưa vào tầm ngắm và không ngừng gia tăng áp lực. Cuối tháng 11, học viên quân sự Mỹ bị cấm sử dụng Tik Tok sau khi các nghị sĩ Mỹ bày tỏ lo ngại về sự mất an toàn thông tin. Một tháng sau, hải quân Mỹ cũng ra lệnh cấm không chính thức rằng những ai không chủ động gỡ TikTok khỏi các thiết bị di động do chính phủ cấp sẽ bị cấm truy cập mạng nội bộ của thủy quân lục chiến.
Năm 2017, ByteDance chi một tỷ USD thâu tóm ứng dụng hát nhép Musical.ly và sáp nhập với Douyin để tạo ra mạng xã hội TikTok. Các video trên TikTok này có nội dung ngắn, vui nhộn với các bộ lọc phong phú. Đến tháng 2/2019, ứng dụng này cán mốc một tỷ lượt tải xuống trên toàn cầu. Ở Việt Nam, trong quý I/2019, TikTok có khoảng 12 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng