Một số ứng viên nộp đơn tuyển dụng vào TikTok nói với Business Insider về điểm bất thường trong URL điều hướng trên website của công ty. Ban đầu họ có thể nộp đơn vào trang tuyển dụng của TikTok. Để theo dõi tiến trình nộp hồ sơ, họ đăng nhập vào trang Career.tiktok.com bằng email, số điện thoại hoặc qua tài khoản LinkedIn, Facebook.
Khi đăng nhập bằng Facebook, hộp thoại uỷ quyền cho "TikTok Career" tự động chuyển hướng đến một trang web có trụ sở tịa Trung Quốc với tên miền portal-tiktok.kundou.cn.
Công ty Kundou trong URL này do ByteDance (công ty mẹ của TikTok) gián tiếp quản lý, có trụ sở tại Bắc Kinh. Nơi này cũng hỗ trợ phần mềm phụ trợ cho việc tuyển dụng của ByteDance. Kundou chưa từng xuất hiện trong sơ đồ tổ chức của ByteDance. Công ty cũng không đề cập đến các hoạt động của mình tại Trung Quốc.
Theo Business Insider không chỉ những ứng viên đăng nhập bằng Facebook mà tất cả dữ liệu của người xin việc đều được chuyển đến Kundou thông qua website tuyển dụng của TikTok.
Alan Woodward, Giáo sư an ninh mạng của Đại học Surrey, Anh nói: "Đây là ví dụ điển hình về việc một đơn vị không minh bạch trong việc chuyển dữ liệu của họ đến bên thứ ba. TikTok đã chứng minh việc dữ liệu người dùng được lưu giữ ngoài Trung Quốc, trên các máy chủ ở Singapore nhưng lại không làm thế với thông tin của các ứng viên".
Ngày 16/12, TikTok đã âm thầm xoá chuyển hướng URL sau khi bị các ứng viên và truyền thông phát hiện. Công ty không đưa ra bình luận rõ ràng về việc này. Theo Business Insider, trong một số tài liệu, TikTok nói rằng họ sẽ gửi dữ liệu của người nộp hồ sơ đến Trung Quốc nhưng không phải ứng viên ở quốc gia nào cũng được tiết lộ điều này.
Tại Mỹ, các ứng viên được thông báo rằng dữ liệu của họ sẽ được chuyển về cho ByteDance Inc. (trụ sở tại Quần đảo Cayman, Anh), TikTok Inc. (trụ sở tại Mỹ) và Funnico Inc. (trụ sở tại tiểu bang Delaware, Mỹ) - công ty này không có trong sơ đồ tổ chức của ByteDance. Trước khi được công ty Trung Quốc mua lại vào năm 2016, Funnico được biết đến với tên gọi Flipagram.
Trong tài liệu dài năm trang, TikTok không đề cập đến việc chia sẻ dữ liệu này với công ty nào ở Trung Quốc. Nhưng ngay sau khi đăng nhập bằng Facebook, đường truyền của ứng viên ở Mỹ sẽ dẫn đến một URL của Trung Quốc.
Tại Anh, chính sách bảo mật dành cho người nộp đơn xin việc tại TikTok có đoạn: "Như bạn đã biết, chúng tôi là một phần của tập đoàn TikTok toàn cầu và các chủ thể trong mạng lưới của TikTok sẽ tham gia vào việc xử lý dữ liệu". Tài liệu này cũng không minh bạch về việc dữ liệu được gửi về Trung Quốc.
Một thông báo khác trong hồ sơ tài liệu dài 6 trang dành cho ứng viên tại Anh viết: "Trụ sở chính của TikTok Anh được đặt tại Trung Quốc và dữ liệu của bạn được lưu trữ tại Trung Quốc như một phần của hệ thống theo dõi ứng viên của chúng tôi".
Tuy nhiên, thông báo trụ sở chính của TikTok Anh đặt ở Trung Quốc lại mâu thuẫn với thông tin đăng ký trên Companies House, Cục Quản lý Công ty của Anh và trên cả sơ đồ tổ chức của ByteDance. Kể từ khi được sáp nhập vào ngày 6/5/2016, TikTok Anh (tên giao dịch là TikTok Information Technologies UK), vẫn luôn đăng ký trụ sở tại London.
Các chính sách về quyền riêng tư của ứng viên tại châu Âu, Pháp, Đức cũng như Nhật Bản, Singapore đều nhắc đến Trung Quốc. Tuy nhiên, TikTok không hề nhắc đến thông tin này trong các thoả thuận với ứng viên ở Mỹ, Malaysia.
Đây cũng là điều khiến giáo sư Woodward lo lắng. "Một khi dữ liệu của bạn nằm trong công ty Trung Quốc, nó sẽ phải tuân theo luật nước này. Nếu bạn đang giao dịch với bất kỳ công ty nào bị kiểm soát từ Trung Quốc, bạn phải cẩn trọng".
TikTok thừa nhận việc không tiết lộ sự thật về hành động gửi dữ liệu của ứng viên đến Trung Quốc và cũng không thể giải thích rõ ràng vì sao các chính sách bảo mật tại Anh lại đề cập đến việc họ đặt trụ sở chính tại Trung Quốc. "Chúng tôi nhận thấy một số thông tin không chính xác và đã cũ trong chính sách bảo mật áp dụng cho quá trình tuyển dụng, chúng tôi đang cập nhật", đại diện TikTok thừa nhận.
Người này cũng khẳng định TikTok không có trụ sở chính và chưa từng có trụ sở chính tại Trung Quốc. Tất cả dữ liệu người dùng được lưu trữ ở Mỹ và Singapore. "Chúng tôi đang lập một trung tâm dữ liệu ở Ireland vào năm 2020 để lưu trữ dữ liệu người dùng Anh và châu Âu", vị này thông tin thêm. TikTok cũng đang thay đổi quy trình để dữ liệu ứng viên không còn gửi về Trung Quốc nữa.
Vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng về việc TikTok gửi dữ liệu người dùng đến Trung Quốc. Tuy nhiên, việc thừa nhận gửi dữ liệu ứng viên về quê nhà khiến TikTok rơi vào một vòng luẩn quẩn. Trong suốt năm 2020, TikTok làm mọi cách để chứng minh mình không phải gián điệp như cáo buộc của các chính trị gia ở Mỹ và châu Âu. Mạng xã hội này cũng luôn nói dữ liệu người dùng của họ được lưu trữ ngoài Trung Quốc.
TikTok đang có 1.600 nhân sự ở châu Âu và 1.500 nhân sự tại Mỹ. Công ty đã tuyên bố trước Uỷ ban Quốc hội Australia và Anh rằng họ không chuyển dữ liệu người dùng phương Tây đến Trung Quốc và giới hạn quyền truy cập của nhân viên vào kho dữ liệu này.
Khương Nha (theo Business Insider)