"Đạo luật cấm TikTok bắt đầu có hiệu lực tại Mỹ. Điều đó đồng nghĩa bạn không thể sử dụng TikTok lúc này. May mắn là Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ ý định phối hợp với chúng tôi để tìm giải pháp gỡ rào cho TikTok sau khi nhậm chức. Hãy chờ đợi", thông báo hiển thị khi người dùng tại Mỹ đăng nhập TikTok từ 0h ngày 19/1 viết.
TikTok trước đó cũng thông báo cho người dùng tại Mỹ rằng ứng dụng phải ngừng hoạt động từ Chủ nhật, đồng thời cam kết khôi phục dịch vụ sớm nhất có thể.
Tổng thống Joe Biden hồi tháng 4/2024 ký ban hành Đạo luật Bảo vệ người Mỹ khỏi ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát (PAFACA), trong đó yêu cầu TikTok phải cắt quan hệ với công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc hoặc bị cấm hoàn toàn ở Mỹ trước ngày 20/1. Đây cũng là thời điểm Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.
TikTok hiện có 170 triệu người dùng tại Mỹ, tức chiếm khoảng một nửa dân số, là đối tác lớn của các nhà cung cấp dịch vụ về lưu trữ dữ liệu, ứng dụng, hay dịch vụ tiếp thị.
Sự biến mất của nền tảng có thể gây ra nhiều vấn đề về tài chính với các doanh nghiệp liên quan. Ở phía người dùng, nỗi lo nền tảng đóng cửa cũng khiến nhiều người phải chuyển dần sang các nền tảng như Facebook, Instagram, Snap, thậm chí ứng dụng RedNote từ Trung Quốc.
Ông Trump hôm 18/1 cho biết lệnh cấm với TikTok có thể được trì hoãn thêm 90 ngày, nhưng chưa có quyết định cuối cùng. Hiện chưa rõ TikTok có vượt qua được các rào cản pháp lý để được hoãn thi hành lệnh trong 3 tháng. Nhiều khả năng đó sẽ là các thỏa thuận ràng buộc để ByteDance hoàn tất bán TikTok vào giữa tháng 4.
Một khả năng khác là ông Trump sẽ chỉ đạo Bộ Tư pháp Mỹ "giảm mức độ ưu tiên" hoặc không thực thi luật. Tuy nhiên, cách này được cho là chưa đủ để bảo vệ các công ty liên quan đến hoạt động của TikTok, như các kho ứng dụng của Apple, Google, hay dịch vụ dữ liệu của Oracle.
Điệp Anh (Theo Reuters, 12onyourside)