Thông tin từ DealstreetAsia ngày 14/2 cho biết, startup thương mại điện tử của Việt Nam - Tiki đang kỳ vọng huy động được từ 50-60 triệu USD trong vòng gọi vốn series D. Một phần số tiền thu được có thể sử dụng để bù đắp cho khoản thua lỗ của đơn vị này.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, đại diện Tiki đã phủ nhận thông tin này. "Đối với những công ty như Tiki thì việc gọi vốn đầu tư là hoạt động diễn ra liên tục và thường xuyên trong suốt 7 năm qua kể từ khi đi vào hoạt động. Mặc dù vậy, thông tin mới đây về số tiền hàng chục triệu USD là không chính xác", đại diện Tiki cho biết.
Cũng theo đại diện đơn vị này, hoạt động đầu tư là điều không thể thiếu với mỗi công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tiki hiện đã đầu tư và đưa vào sử dụng 10.000 m2 kho do chính đơn vị này tự vận hành, trong đó hai kho hàng tại TP HCM với tổng diện tích 7.600 m2 và một kho hàng tại Hà Nội rộng 2.150 m2. Việc đầu tư này cũng bởi tỷ lệ đơn hàng của Tiki hiện tại phân bố theo khu vực chiếm tới 72% tại miền Nam, trong khi miền Bắc và miền Trung chỉ đạt lần lượt 22% và 6%.
Đối với thông tin hoạt động kinh doanh của Tiki, vị này cho biết, hoạt động kinh doanh chưa có lãi của Tiki trong những năm gần đây cũng bởi nguyên nhân chi phí cho việc đa dạng ngành hàng, đầu tư kho bãi, giao hàng và hạ tầng kỹ thuật, nền tảng thanh toán.
Hiện thời gian giao hàng bình quân toàn quốc của Tiki đạt từ 2,3 đến 2,8 ngày, trong đó đối với phương thức thanh toán, 34% khách hàng thanh toán qua thẻ và 66% thanh toán khi giao hàng tận nơi.
Trong năm 2016, tốc độ tăng trưởng giá trị hàng hóa giao dịch của Tiki tăng 131% so với năm 2015. Các mặt hàng được mua phổ biến nhất vẫn là điện tử (42%), sách và các mặt hàng văn phòng phẩm (29%) và các mặt hàng liên quan đến đời sống (22%). "Trong suốt 6 năm qua, tốc độ tăng trưởng của Tiki đều đạt 3 con số mỗi năm", đại diện đơn vị này cho biết.
Theo ước tính, trung bình mỗi ngày Tiki giao từ 10.000 đến 20.000 đơn hàng với giá trị mỗi đơn hàng đạt trung bình 300.000-500.000 đồng
Tuy vậy, đại diện Tiki cũng thừa nhận, khó khăn với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử hiện tại là việc thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng. Để làm được điều này đòi hỏi các kênh thương mại điện tử phải liên tục đầu tư với nguồn vốn lớn nhằm gia tăng các mặt hàng, chương trình khuyến mãi, tiếp thị nhằm tạo thói quen mua sắm mới.
Căn cứ theo báo cáo tài chính mới nhất của Công ty cổ phần VNG - đơn vị đang sở hữu 38% vốn của Tiki, khoản lỗ của doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử này ước khoảng 250 tỷ đồng trong năm 2016.
Mức độ lỗ của Tiki cũng liên tục tăng trong 4 quý gần đây kể từ khi được VNG rót vốn. Giá trị khoản đầu tư của VNG vào Tiki từ 384 tỷ đồng hồi đầu năm chỉ còn lại gần 290 tỷ đồng vào cuối năm 2016.
Minh Sơn