Theo đơn hàng của công ty, các thương lái vùng Đông Nam bộ đang lùng mua loại tiêu đen có dung trọng thấp, nhất là từ các nhà vườn trồng giống tiêu Sẻ và tiêu gốc Ấn Độ.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trên sàn giao dịch hạt tiêu NCDEX tại Kochi-Ấn Độ, giá tiêu kỳ hạn chốt tuần ở mức 42.610 Rupi/tạ, tương đương 7.677 USD/tấn cho hàng giao tháng 9 và mức 43.035 Rupi/tạ, tương đương 7.753USD/tấn cho hàng giao tháng 10, dao động không đáng kể so với tuần trước. (1 USD = 55,5042 Rupi )
Giá hạt tiêu giao ngay của Ấn Độ song song với thị trường kỳ hạn tăng 400 Rupi so với tuần trước, lên mức 39.600 Rupi/tạ, tương đương 7.135 USD/tấn cho loại tiêu xô và 41.100 Rupi/tạ, tương đương 7.405 USD/tấn cho loại tiêu chọn, tức tăng xấp xỉ 1% trong cùng kỳ. Gía tăng bởi vì hàng giao ngay hiện rất hiếm có để đưa ra giao dịch.
Tiêu đặc chủng Ấn Độ trên thị trường quốc tế có giá 8.100 USD/tấn (C&F) cho hàng đi châu Âu và 8.400 USD/tấn (C&F) đối với hàng đi Mỹ, vẫn hoàn toàn cao so với giá hạt tiêu của các nguồn gốc xuất xứ khác. Giá tăng còn do tỷ giá đồng Rupi tăng so với USD.
Trong khi đó, giá tiêu kỳ hạn trên sàn Singapore Mercantile Exchange (SMX) chốt tuần tăng khá mạnh. Kỳ hạn giao tháng 9 lên đứng ở mức 6.533 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 10 đứng ở mức 6.586 USD/tấn, tăng lần lượt 1,27% và 2,12% so với tuần trước đó.
Lượng hàng dành cho xuất khẩu của Ấn Độ và Malaysia hiện còn không đáng kể nên khách mua tìm đến các nước sản xuất tiêu khu vực Đông Nam Á. Do Indonesia vừa thu hoạch xong với sản lượng cao hơn dự kiến và hạt tiêu đang được thương nhân nước này chào bán xuất khẩu với giá rẻ, trong khi nông dân Việt Nam vẫn nắm giữ lượng hàng dồi dào còn đợi giá.
Bước vào tháng 9, thị trường hạt tiêu nội địa Việt Nam bắt đầu sôi động trở lại khi liên tục có khách châu Âu và Trung Đông đến tìm kiếm nguồn hàng. Tuy nhiên, do kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khó khăn, người tiêu dùng cũng cần “thắt lưng buộc bụng” nên khách mua chỉ chú ý đến nguồn hàng có giá thấp, một công ty xuất khẩu cho biết.
Hiện nay, tiêu đen Việt Nam xuất khẩu loại 550 Gr/l-FAQ đang được chào giá 6.900 USD/tấn trong khi loại 500 Gr/l=FAQ được chào giá lên 6.700 USD/tấn. Thông thường, khoảng cách giá xuất khẩu giữa 2 loại này dao động ở 300-350 USD/tấn.
Theo đơn hàng của công ty, các thương lái vùng Đông Nam bộ đang tích cực tìm kiếm thu mua loại tiêu đen có dung trọng thấp, nhất là từ các nhà vườn trồng giống tiêu Sẻ và tiêu gốc Ấn Độ. Để thu hút hàng, họ sẵn sàng trả giá loại tiêu nhẹ này cao hơn 2-3.000 đồng/kg so với đầu giá. Đó cũng là sự san sẻ lợi nhuận giữa người kinh doanh với người sản xuất, theo nhận định của một doanh nhân ngành tiêu.
Từ xưởng gia công chế biến tiêu trắng ở Đồng Nai, một nhà chế biến cho biết, sản lượng tiêu trắng xuất khẩu thường bán chủ yếu cho khách Âu-Mỹ có giá cao, nhưng năm nay phải giảm giá liên tục, nhiều xưởng ngưng sản xuất vì sức mua chỉ còn 50-60% so với cùng kỳ năm trước. Nhà chế biến hy vọng nhu cầu sẽ tăng trở lại khi các công ty nhập khẩu chuẩn bị hàng phục vụ cho mùa lễ tết sắp tới.
Ngày 17/9, giá tiêu đen xô tại Bà Rịa – Vũng Tàu đứng ở mức 135 nghìn đồng/kg, tại Đồng Nai – Bình Phước 132-133 nghìn đồng/kg và các tỉnh Tây nguyên 130-131.000 đồng/kg, tăng nhẹ thêm 1-2 nghìn đồng/kg so với tuần trước.
Một dự báo thị trường mới nhất cho biết, ước lượng hàng của các nước sản xuất như Brazil còn khoảng 22.000 tấn, Indonesia khoảng 20.000 tấn và Việt Nam khoảng 30.000 tấn, trong khi Ấn Độ và Sri Lanka không còn dư để xuất khẩu.
Theo The Hindu Business Line, xuất khẩu hạt tiêu của Ấn Độ từ tháng 1 đến tháng 7 đã tăng 11,36%, lên 11.505 tấn so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu hạt tiêu của quốc gia này cũng tăng 14,15% lên 8.834 tấn so với cùng kỳ.
Theo TTVN