Phùng Gia Thế -
2. Kính vạn hoa, mô hình tiểu thuyết trong tiểu thuyết, sự bất lực của nhà văn trong cuộc chơi ngôn từ
Đọc Nguyễn Việt Hà, có thể nhận thấy sự dịch chuyển trong tư duy tiểu thuyết của nhà văn qua mô hình cấu trúc tác phẩm. Nếu Cơ hội của Chúa được tổ chức theo lối trần thuật nhiều điểm nhìn, phi trung tâm, nhấn vào cảm thức hiện sinh thì ở Khải huyền muộn, tiểu thuyết lại là chủ đề của tiểu thuyết.
Đọc Cơ hội của Chúa, thấy tác giả hầu như hạn chế việc phân tích nhân vật bằng tài hiểu tâm lý của mình. Điểm nhìn và ngôi kể liên tục được dịch chuyển, thay đổi. Các nhân vật chính ở đây đều có khả năng thế chỗ nhà văn trong việc kể chuyện. Trong Cơ hội của Chúa, cùng với lời của người kể chuyện, là rất nhiều đoạn tự thuật dưới hình thức nhật kí, độc thoại, tâm tình của Hoàng, Tâm, Nhã, Thủy. Mỗi cá nhân như một "nguyên tử" được đặt ở vô số giao điểm. Nó tự kể chuyện mình, kể về cái nhìn của mình với người khác. Hiện thực là những diện mạo khác nhau tuỳ vào cách người ta suy cảm về nó. Một sự kiện lại có thể được nhìn từ nhiều phía, với những thời điểm trần thuật không trùng nhau. Sự thiếu vắng tính lôgíc nhân quả của sự kiện cùng tính xác thực của đời sống dẫn đến hệ quả: sự chối bỏ, phá huỷ trật tự không - thời gian kiểu truyền thống.
Cảm giác về thời gian trong Cơ hội của Chúa giống như người ta đứng trước hoạ phẩm trừu tượng chồng chéo hình ảnh kiểu Mark Zakharovich Shagan [3]. Lối trần thuật kính vạn hoa ở đây khiến bạn đọc có thể nhìn đối tượng từ nhiều góc độ, và cũng xoá đi ảo tưởng nhà văn là kẻ nhân danh Thượng đế để minh định nhân vật, phán xét cuộc đời. Anh ta, một cách đầy gắng gỏi, chỉ thực hiện việc tổ chức trần thuật. Vấn đề đánh giá nhân vật, sự kiện, có chăng, là "thực quyền" của/ở mỗi bạn đọc. Hiện thực đời sống dưới những cái nhìn khác nhau là đa tầng, không thuần nhất và cũng chẳng đáng tin. Nhà phê bình Đoàn Cầm Thi gọi Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà là "tiểu thuyết của những cái tôi" [4].
Đến Khải huyền muộn, bạn đọc thực sự bị nhà văn "làm khó" bởi một kiểu hư cấu đặc biệt - một siêu hư cấu. Ở đó, thế cuộc chẳng những là một cuộc chơi của tạo hoá mà chính nó lại là nguồn cơn của một trò chơi khác: tiểu thuyết. Với Khải huyền muộn, tính phê phán bị lấn át bởi một trò chơi ngôn từ, câu chuyện được thay bằng cấu trúc. Nhà văn không chỉ là người miêu tả mà còn là đối tượng của sự miêu tả. Nhà văn vừa thể hiện nhân vật vừa thể hiện quá trình sáng tạo của mình. Có lúc anh ta đóng vai nhân vật (nhân vật nhà văn) trong một tiểu thuyết đang viết dở.
Có lúc anh ta xưng "tôi" tự bạch như một nhân vật. Có lúc anh ta là Bạch - kẻ đang khao khát văn chương và là người đang có dự đồ viết một cuốn tiểu thuyết về công việc nhà văn. Nhân vật vừa là nhân vật vừa đóng vai một nhân vật khác trong cuốn tiểu thuyết dang dở ấy. Đó là cô người mẫu - cựu á hậu xưng "tôi" xuất hiện ở đầu tác phẩm. Sau cô trở thành sản phẩm của sự hình tượng hóa - Cẩm My trong tiểu thuyết của "nhân vật nhà văn". Cô được phép đọc mình, bởi cô là người yêu văn chương, cô cũng là một bạn đọc. Và, rất nhiều khi cô không đồng ý mình là cái cô Cẩm My ấy... Với lối kết cấu đa tầng như thế, hiện thực được tái tạo từ nhiều phía, nhiều vẻ. Tính lôgic của không gian truyện bị phá vỡ. Rất nhiều mảng đời sống, những hư cấu hiện thực, hiện thực của hư cấu, nhiều cái tôi (sám hối, trăn trở, dằn vặt...) được thể hiện sinh động. Nhân vật với nhà văn, tiểu thuyết và đời sống vừa bám riết lấy nhau vừa chỉ là một thứ trò chơi được nhà văn tuỳ ý sắp đặt, dán ghép. Khải huyền muộn là truyện của nhiều chuyện, là văn bản của nhiều văn bản. So với Cơ hội của Chúa, nó có một cấu trúc lỏng và "hỗn tạp" hơn nhiều. Tính chất trò chơi ở đây được tô đậm.
Với Khải huyền muộn, lấy viết văn làm một chủ đề, Nguyễn Việt Hà chú trọng nhiều hơn đến "con đường" đi chứ không phải kết quả. Nhân vật Bạch cũng chỉ đang "loay hoay sắp thành nhà văn". Khải huyền muộn là một tiểu thuyết dang dở, khó đọc. Nó không dành cho những người vồ vập với sự kiện. Cũng có thể xem xu hướng mở, không hoàn kết trong tự sự là một đặc điểm nổi bật của văn phong hậu hiện đại. Nguyễn Huy Thiệp nhận xét: "Chính cái "quá trình tiến tới tác phẩm" đó đã được nghệ sĩ gọi là tác phẩm và ý nghĩa "đương đại" sẽ có điều gì na ná như sự dở dang, na ná như sự bất lực, chán chường" [5]. Đến Khải huyền muộn, phê phán xã hội không còn là trọng tâm. Yếu tính của tiểu thuyết dồn vào cuộc săn đuổi hình thức. Nếu Cơ hội của Chúa được viết như một sự "xả nhiệt" thì Khải huyền muộn là sự đào xới các ý tưởng trong quá trình sáng tạo văn chương. Sự hỗn độn của đời sống trong đây được tái tạo bằng một sự hỗn độn nhân tạo. Câu chuyện về sự hỗn độn được thể hiện trong cảm giác về sự hỗn độn của một câu chuyện.
Thực ra, lối tiểu thuyết lấy nhà văn làm đối tượng miêu tả không phải là mới. Tuy vậy, tới Nguyễn Việt Hà, kiểu "nhân vật nhà văn" được nghiền ngẫm sâu sắc ở những suy niệm nghệ thuật, những vật lộn, dằn vặt trong quá trình tìm tòi sáng tạo của nhà văn đương đại. Cũng là sự bất mãn (ít nhiều) với thế cuộc, song, nếu trong văn chương truyền thống, "nhân vật nhà văn" luôn có niềm tin mãnh liệt vào các sứ mệnh cao cả của văn chương, rộng hơn là vào cái - trật - tự - cần - phải - có, thì đây: chỉ thấy những đau đớn và bất lực, sự hư hao của niềm tin, cả sự đáng thương. Nhà văn dường như chỉ còn lại niềm tin sau cùng: tin rằng cuộc đời vốn không thể khác. Trong Cơ hội của Chúa, Hoàng không phải nhà văn. Viết văn với anh ta cũng chỉ là một cứu cánh mơ hồ. Trong Khải huyền muộn, qua kiểu "nhân vật nhà văn", bao câu hỏi về nhà văn và cuộc giằng co với ngôn từ, về vai trò - sứ mệnh của nhà văn đương đại được Nguyễn Việt Hà tập trung mổ xẻ. Văn chương hoá ra chẳng phải cái túi càn khôn để "đựng" cuộc đời như người ta vẫn tưởng. Nhà văn, trước sau, cuối cùng thì cũng chỉ là kẻ đáng thương. Bất lực trước cuộc đời, anh ta loay hoay với ngôn từ. Và, cả ngôn từ rồi cũng bất lực. Nó chẳng thể biện minh được cho các sứ mệnh lớn lao mà trước nay nó oằn mình mang gánh...
Có thể thấy, những đổi thay trong cái nhìn đời sống của Nguyễn Việt Hà thế tất dẫn tới những đổi mới trong tư duy và cấu trúc tiểu thuyết: đề cao tính phân mảnh của chủ thể, trần thuật "lập thể" phi trung tâm, cố ý làm lộ sự can dự của tác giả vào câu chuyện để mời gọi mọi người vào cuộc chơi, biến tiểu thuyết thành một trò chơi ngôn từ, một sự thăm dò, thử nghiệm những khả thể, khả tính của chính tiểu thuyết,... Có thể gọi được chăng, điều mà người ta tìm thấy trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà là một sự thể nghiệm của tư duy hậu hiện đại.
3. Nghịch dị và giễu nhại
Nghịch dị và giễu nhại không phải cái mới hoàn toàn của văn chương hậu hiện đại. Vốn, nó đã xuất hiện từ lâu trong truyền thống. Tuy nhiên, để thể hiện "thái độ hậu hiện đại", chúng thường xuyên được sử dụng, không chỉ như những thủ pháp, mà quan trọng hơn, là một yếu tính: trở thành hình thức của thế giới quan, một "nguyên tắc" tổ chức văn bản. Như thế, điều mà nền văn chương đậm tính "sử thi" trước đó chưa cho phép nghệ sĩ tự do khai thác, thì ở đây, lại được nhiều nghệ sĩ tô đậm.
Không thể nói tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà "vô can" với thời cuộc. Song, thay vì giọng điệu đau đớn khắc khoải (như thường thấy trong các tác phẩm thời đầu đổi mới), Nguyễn Việt Hà, trong Cơ hội của Chúa, lại sử dụng khá triệt để cái nghịch - dị - trào - lộng để thể hiện sự hỗn tạp trớ trêu của cuộc đời. Tính bỡn cợt ở đây dường như luôn lấn át tính phê phán. Những nhận định đại loại như thế này, nhan nhản: "Hai tháng cuối năm bắt tám trăm vụ buôn lậu"; phòng làm việc của Hoàng là "một thứ vườn trẻ để gửi con ông cháu cha"; công sở khi thì "lãng đãng một không khí tao đàn", khi lại "nghèn nghẹn mùi thuốc súng"; "các company nhiều như nấm sau mưa, nơi liên doanh của quan chức cơ hội với bọn buôn lậu liều lĩnh"; anh bạn của Tâm "hai năm gần đây trở nên sung túc vì biết ăn cắp"; hàng ngũ giám đốc những năm đầu chín mươi thì "... ba vạn chín nghìn tổng, chánh, phó giám đốc trong và ngoài quốc doanh đều mù và điếc theo mọi nghĩa";... Dùng cái nghịch - dị - trào - lộng để thể hiện đời sống, nhà văn chủ trương "vặn cổ" bài ca cuộc sống. Vai văn học và vai xã hội của nhân vật được lạ hoá. Các vị ngữ trở nên biến hoá vô thường. Và, với cái nhìn bỡn cợt ấy, cuộc sống thật như một trò đùa. Cảm giác xót xa biến mất. Cảm thức nổi trội qua đây là: cái không đáng (lẽ ra không đáng) tồn tại, tại sao lại cứ (nghiễm nhiên) tồn tại? Và trớ trêu là, nó cứ tồn tại như thế đấy.
Nếu nghịch dị chưa hẳn đã toàn triệt trong Cơ hội của Chúa thì tới Khải huyền muộn, giễu nhại lại trở thành yếu tính. Quả vậy, trong Cơ hội của Chúa, bên cạnh giọng châm biếm bỡn cợt của chủ thể kể chuyện, còn thấy những giọng xen có phần xót xa, đau đáu của những "cái tôi" chằm vặp với đời và ít nhiều còn tha thiết với cái đẹp. Đó là cái cảm thức "chao ôi là bất lực" trước cái ác, là lời tha thiết cầu xin Đức Chúa "hãy làm chậm hành trình vào bẩn thỉu" của con người. Khải huyền muộn thì khác: cấu trúc của nó được xây dựng trên cái nhìn kì khôi về sự "vênh lệch" giữa "vai" và thực chất giá trị của đối tượng.
Đọc Khải huyền muộn, thấy đâu đâu cũng là những hình tượng giễu - nhại: giễu nhại quan chức: "Dãy ghế hạng nhất nhan nhản những khuôn mặt nhờn tanh căng mỡ của các quan chức cấp huyện", "Sếp ngồi quay lưng lại cửa ra vào vì mải chơi game trên computer"; "Quan chức thì bao giờ cho hết lầm lẫn...; giễu nhại người mẫu: "người mẫu đang là đề tài thời thượng chỉ sau cave"; giễu nhại báo chí: "Báo chí ở ta thường tự tin là có dân trí thấp nên đầy ngạo mạn trịch thượng"; giễu nhại đạo diễn: "Các đạo diễn với mặc cảm mình đã là thằng mất dậy, nên luôn luôn nhồi vào mồm đám diễn viên những câu đẫm đầy đạo đức"; giễu nhại bà văn sĩ Bỉ và cả buổi toạ đàm văn học của ta, bởi nữ văn sĩ người Bỉ này từng "đọc Truyện Kiều tóm tắt bằng văn xuôi và khẳng định một nữ tác gia như Nguyễn Du xứng đáng là một nữ thi sĩ";...
Không giống với giọng nhại ở các nhà tiên phong buổi đầu đổi mới, thường xót xa bi đát, cay độc (như Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn), quãng cách về thời thế khiến nhại trong văn Nguyễn Việt Hà gắn nhiều hơn với bỡn cợt, với cái giễu. Chống lại sự đơn điệu, nhại trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà vừa "lột tả" được một phần bản chất (có thật) của đối tượng, vừa dung hợp được cái bác học của suy tư, cái suồng sã của văn hoá bình dân, sức mạnh vô địch của trào tiếu dân gian. Và, với lối tự nhại, văn chương chẳng những là sự hoài nghi về các trật tự đời sống mà còn là sự nghi ngờ chính những khả năng, sứ mệnh mà người ta thường đặt ra cho nó. Ở đây ta bắt gặp nhà tiểu thuyết "giễu nhại chính bản thân mình bằng hành vi giễu nhại" [6].
"Văn chương muốn nó tươi nó thật thì phải được đùa, mà đã run rẩy rồi thì bố ai dám đùa nữa". Suy nghĩ của "nhân vật nhà văn" Bạch, phải chăng cũng là một lối tư duy đặc thù của tác giả, thể hiện ngày càng rõ hơn thái độ hậu hiện đại trong cách nhìn đời sống của mình.
Có thể nói, thực tiễn sáng tạo của Nguyễn Việt Hà đã chứng tỏ quan niệm của nhà văn: "Văn chương bị lặp lại đáng sợ như văn chương nhạt nhẽo". Trong cuộc phiêu lưu kiếm tìm cái mới cho tiểu thuyết, những tìm tòi của Nguyễn Việt Hà, dẫu chưa thật nhiều thành công, có những điều chưa đáp ứng được "yêu cầu lí tưởng" của bạn đọc, song cần phải ghi nhận ở đây những thành quả ban đầu quan trọng của nhà văn. Chơi với ngôn từ, tác giả nhiều khi không giấu được sự mỏi mệt, đuối sức. Tuy nhiên, đằng sau cuộc chơi ấy, chúng tôi hiểu, đó là sự dũng cảm thành thực của nhà văn, sự sáng tạo nghiêm túc, nhiều khi đơn độc, một cuộc kiếm tìm văn chương thực sự. Không lấy Nguyễn Việt Hà để kết luận cho tiểu thuyết Việt Nam hôm nay, bài viết vẫn nhắm vào mục đích hai mặt; một: khẳng định những nét mới trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà; một khác: góp phần khai triển một hướng nghiên cứu đang được chú ý gần đây: tìm hiểu những dấu hiệu hậu hiện đại trong văn xuôi Việt Nam từ sau 1986 và xem đây như một xu hướng phát triển - hội nhập thuận chiều với tiến trình văn chương thế giới.
Phần 1
Đại Lải, cuối tháng 3 - 2010