Tọa đàm Chiêm nghiệm về cái chết bàn về tiểu thuyết ra mắt hồi tháng 8 của Nguyễn Bình Phương. Các diễn giả tham gia gồm nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa và biên tập viên sách Nguyễn Hoàng Diệu Thủy.
Trong hai tiếng đồng hồ, diễn giả và khán giả bàn luận các giá trị trong tác phẩm, nhất là về sự chết trong đời sống. Họ cho rằng khi con người trưởng thành, ý niệm về cái chết sẽ đổi thay. Nghĩ về "cửa tử" là một trong những điều giúp người ta ý thức hơn về cuộc sống, nhận ra ý nghĩa của từng phút giây được thở. Từ đó, con người có trách nhiệm với bản thân, xã hội hơn.
Tiểu thuyết Kể xong rồi đi xoay quanh một đại tá về hưu, từ lúc ông thoi thóp với căn bệnh đột quỵ cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Tác giả sử dụng nhân vật “thằng hâm hấp, thằng cháu bồ côi bồ cút mắt lác” tên Phong làm người kể chuyện. Cậu là trẻ mồ côi được ông đại tá nhận nuôi, có mặt trong gia đình ở vị trí "kẻ ăn nhờ ở đậu", không được tôn trọng. Khi đại tá ra đi, cậu cháu nuôi liên tưởng đến cái chết của các nhân vật khác với nhiều nguyên nhân: thù hận, tai nạn, đột tử... Thậm chí, cậu kể đến cả cái chết của các con vật.
Biên tập viên Diệu Thủy nhận xét tác phẩm có câu thoại sắc gọn, cấu trúc chắn chắn, miêu tả đúng trọng tâm và bày ra bức tranh đầy đủ về cõi nhân sinh hỗn độn, cho thấy cái chết luôn hiện hữu gần mỗi người. Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa nhận định: “Nguyễn Bình Phương mượn cái chết để kể về những cá thể nát nhàu trong cõi nhân sinh nhàu nát. Qua cái chết để nói về sự vô nghĩa của kiếp người. Nhà văn nhiều lần nhắc đến các huân chương cao quý của đại tá đối lập với cảnh ông ta thoi thóp trút hơi thở cuối cùng. Điều đó chứng minh danh hiệu, nổi tiếng chỉ là phù du trong cõi tạm”.
Nhà phê bình văn học - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm - chỉ ra cấu trúc truyện được chia thành ba phần mạch lạc. "Lời đối thoại của nhân vật Phong và một con chó đặt chúng ta trong hoàn cảnh đối diện với thực tế cuộc sống: khi giao tiếp giữa con người mất đi. Cái chết được Nguyễn Bình Phương mượn để nói về cuộc sống thực tại, nơi giá trị nhân sinh đang thay đổi".
Nguyễn Bình Phương sinh năm 1965, tại Thái Nguyên. Anh tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du khóa 4, hiện là tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trưởng ban Công tác Văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam. Anh là một nhà văn đa dạng về thể loại, vừa viết văn xuôi, vừa làm thơ. Các tác phẩm nổi bật của anh gồm: Vào cõi, Ngồi, Người đi vắng, Những đứa trẻ chết già, Thoạt kỳ thủy, Trí nhớ suy tàn, Mình và họ. Ngoài ra, anh có những tập thơ như: Lam chướng, Xa thân, Từ chết sang trời biếc, Buổi câu hờ hững, Xa xăm gõ cửa.
Đức Nguyễn