Không lâu sau sự kiện tiểu thương tại Chợ Đồng Xuân (Hà Nội) tụ tập để phản đối đơn vị quản lý điều chỉnh giá thuê kiốt, cuối tuần qua, 2 bên đã có buổi đối thoại với mục tiêu giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, thái độ và cách diễn đạt tại buổi làm việc đều không cho thấy đơn vị quản lý và tiểu thương đều không có dấu hiệu nhượng bộ
Đại diện đơn vị quản lý, Phó chủ tịch, đồng thời là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân – Đỗ Xuân Thủy dẫn ra một loạt chi phí được đơn vị này lấy làm cơ sở tăng giá cho các hợp đồng thuê từ 1/1/2015 đến hết năm 2019. Cụ thể, theo thông báo của Cục Thuế Hà Nội, tiền thuê đất chợ tăng gần 250%. Trước đó, chi phí quản lý giai đoạn 2010-2014 tăng 14% một năm, chi phí dịch vụ mua ngoài như điện, nước, vệ sinh… tăng 10%, phí bảo dưỡng, sửa chữa 7%.. “Ngoài ra, công ty cũng phải đầu tư hàng chục tỷ đồng cho hệ thống phòng, chữa cháy, trên 5 tỷ đồng để xây dựng 9 nhà vệ sinh”, vị này kể.
Với những con số nêu trên, ông Thủy cho rằng mức tăng giá thuê được công bố trước đó (17-22%) đã được Công ty Đồng Xuân tính toán, chia sẻ với tiểu thương. Chốt lại phần phát biểu, vị này còn tâm tư rằng đơn vị quản lý “rất suy nghĩ” về tiểu thương, song rất thất vọng khi bà con phản ứng bằng cách tụ tập, phản đối.
Đại diện các hộ kinh doanh, một tiểu thương tên Hằng cho biết không muốn gây khó dễ cho công ty. Tuy nhiên, sau mấy lần tìm gặp lãnh đạo bất thành, bà con mới phải tụ tập phản đối trước cổng chợ. Chị này cho rằng khi xây dựng chợ Đồng Xuân, bà con đều có đóng góp, coi đó là cổ phần trong chợ, song quyền lợi kèm là gì thì họ không biết.
“Mỗi lần ký hợp đồng mới, hợp đồng cũ bị thu lại. Cái mới thì quyền lợi của công ty nhiều lên, tiểu thương ít dần. Tôi đề nghị giữ nguyên hợp đồng như cũ”, chị Hằng đề xuất và nhận được hưởng ứng của nhiều hộ khác..
Chị Dung, một tiểu thương khác thì cho rằng giá thuê kiốt của mình tăng từ 71 triệu đồng lên 90 triệu đồng là quá cao. “Người cho tôi xem hợp đồng nói rằng giá thế là rẻ lắm. Tôi không hiểu phải kinh doanh cái gì để cho được số tiền rẻ ấy”, chị này cảm thán.
Cũng theo tiểu thương này, hợp đồng cũ được ký cách đây 5 năm. Khi đó, giá vàng là 48 triệu đồng một lượng, nay chỉ còn 33 triệu. Lãi suất ngân hàng cũng giảm, trong khi chỗ ngồi của bà con vẫn nguyên, chưa có cải tạo gì. “Tôi không hiểu vì sao giá thuê lại phải tăng?”, chị này đặt câu hỏi.
Giải đáp những ý kiến nêu trên, ông Đỗ Xuân Thủy cho rằng vấn đề tiểu thương góp vốn xây chợ đã được giải thích nhiều lần và tưởng đã kết thúc thắc mắc từ lâu. Cụ thể, khi góp vốn xây dựng chợ năm 1990, quy chế nêu rõ đây là tiền ứng trước của các hộ và người kinh doanh trong 5 năm. Kết thúc giai đoạn này, các hộ được tiếp tục thuê và kinh doanh tại chợ. “Chưa hết thời gian tiểu thương được miễn tiền thuê chỗ thì chợ bị cháy năm 1994. Do đó, từ năm 1996 đến 1999, các hộ đã được bù khoảng thời gian này. Tôi không hiểu các bác còn đòi hỏi thêm gì nữa?”, ông Thủy chất vấn ngược lại.
Với ý kiến của tiểu thương Dung, vị Tổng giám đốc cho rằng do kiốt của gia đình chị có vị trí đắc địa nên đương nhiên giá thuê phải cao hơn. “Cả chợ có trên 2.000 hộ kinh doanh thì chỉ có 49 kiốt có giá thuê cao như vậy”, ông này thông tin thêm.
Trong số thắc mắc của tiểu thương, đại diện Công ty Đồng Xuân chỉ duy nhất nhận trách nhiệm về phản ánh thiếu chỗ gửi xe, thu phí quá cao so với quy định. Theo đó, ông Thủy cho rằng công ty chưa hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, một phần nguyên nhân cũng được vị này lý giải do khách quan, chợ được xây dựng đã lâu nên thiết kế lạc hậu.
“Chợ có trên 2.000 hộ kinh doanh, mỗi hộ có 3, 4 người giúp việc, có hộ 10 người. Nếu tính mỗi người một xe máy thì lên đến mấy nghìn xe. Chợ dù có 3 tầng hầm cũng không chứa hết. Thành phố đã tạo điều kiện cho mượn 400m2 cách chợ chưa tới 300m nhưng cũng không hộ chịu nào ra đó gửi xe”, lãnh đạo Công ty cổ phần Đồng Xuân phản ánh lại.
Tuy nhiên, những giải đáp của ông Đỗ Xuân Thủy không làm các tiểu thương thỏa mãn, trong khi đại diện doanh nghiệp khẳng định đã tính “hết nước hết cái” về giá thuê, nên không có ý định nhượng bộ. Kết thúc buổi đối thoại, hàng chục tiểu thương tiếp tục vây quanh vị Tổng giám đốc để nêu quan điểm.
Võ Hải