9h sáng, chị Nguyễn Cẩm Hồng, TP HCM đang thái thịt cho khách thì điện thoại trong chiếc tạp dề reo. Dừng công việc, chị Hồng nhận điện thoại. Cuộc gọi từ nhân viên Utop thông báo có 5 đơn đặt mua thịt cần giao trước 11h. Trong đó có một khách hàng là chủ cửa hàng bán phở, mua với số lượng lớn. "Thời buổi công nghệ, tiểu thương truyền thống bán hàng trực tuyến", chị Hồng nói khi kết thúc cuộc gọi.
Tiểu thương truyền thống gặp khó trong đại dịch
Chị Hồng có 28 năm bán thịt bò tại chợ Bàu Cát. Hai năm Covid-19 xuất hiện, chị trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Đợt bùng dịch lần thứ tư, xã hội giãn cách, cả ngày chỉ có vài khách mua hàng. Chị nhiều đêm thao thức vì thu nhập giảm, đời sống của gia đình ảnh hưởng. Bởi lẽ, sạp bán thịt là nguồn thu nhập chính của ba mẹ con.
Nhiều chợ tạm lẫn truyền thống ngưng hoạt động, chị Hồng chọn cách nhắn tin khách quen giao hàng tận nhà. Cách này giúp tiểu thương truyền thống bán thêm vài đơn hàng trong ngày. Thu nhập giảm, chị Hồng cũng quản lý lại chi tiêu. "Dịch đến, khó khăn là tình trạng chung. Con gái thứ hai đang học đại học nên tôi cũng cố gắng bán hàng, chắt chiu để cháu yên tâm học hành", chị Hồng nói.
Khi dịch bệnh được kiểm soát nhưng chị Hồng thấy khách đến chợ không còn đông như trước. Số lượng thịt tại sạp hàng của chị tiêu thụ ước chừng bằng khoảng 70% so với các năm.
Trước đây, khách hàng chính của chị Cẩm Hồng là các quán phở, quán cơm kèm lượng lớn người dân khu vực. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại chị Hồng giảm một nửa lượng khách tiềm năng vì bản thân các quán phở không đông khách như trước.
Đánh giá về thực trạng này, chị Hồng cho rằng, dịch bệnh xuất hiện khiến cuộc sống của nhiều người khó khăn. Nhiều lao động mất việc, họ chọn cách về quê thay vì lập nghiệp ở thành phố lớn. Kinh tế khó khăn nên mỗi người cần tiêu dùng thông minh hơn, giảm chi tiêu. Ngoài ra, để hạn chế tiếp xúc, nhiều người cũng có xu hướng đi chợ online để an toàn vì dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Tương tự như chị Hồng, chị Phúc, chủ cửa hàng bán thịt heo tại chợ Võ Thành Trang cũng gặp tình trạng hàng tiêu thụ chậm. Kinh tế gia đình ở mức trung bình, thu nhập giảm ảnh hưởng đến đời sống gia đình. Chị giảm chi tiêu, hạn chế mua sắm đồ dùng.
Với mong muốn cải thiện tình hình, chị Phúc đăng tải thông tin bán hàng qua mạng. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ giúp chị có thêm 2-3 đơn hàng từ người quen, khối lượng ít.
7 năm phụ giúp gia đình bán hàng tạp hóa tại chợ Bàu Cát (TP HCM), lần đầu Phan Thị Ái Diễm (28 tuổi) chứng kiến cảnh hàng hóa ứ đọng khi làn sóng Covid-19 thứ 4 xuất hiện. Khi TP HCM mở cửa trở lại, số lượng khách mua hàng cũng sụt giảm so với trước đây. Vừa rồi, cửa hàng nhà chị loại bỏ nhiều thực phẩm khô hết hạn, ước tính thiệt lại khoảng 20 triệu đồng.
Chị Diễm nhận định, Covid-19 tác động đến nền kinh tế, thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Nguồn thu nhập giảm nên người dân có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn. "Sức mua của người dân tại tạp hóa nhà thôi chỉ bằng 50% khi chưa có Covid-19", chị Diễm cho hay.
Mô hình hỗ trợ tiểu thương truyền thống kinh doanh
Chị Cẩm Hồng, Phúc, Ái Diễm là những người trong số nhiều tiểu thương gặp khó, loay hoay tìm cách bán hàng trong tình hình mới. Trong đại dịch, đứng trước bối cảnh hàng loạt chợ truyền thống đóng cửa để phòng dịch, Hội Quảng cáo TP HCM và Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cũng đề xuất giải pháp hỗ trợ tiểu thương tiếp cận kênh online.
Đại diện Sở Công Thương TP HCM cho biết, trước đó, trong đợt nhiều tỉnh thành áp dụng các giải pháp siết chặt để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, việc gia tăng các giải pháp bổ trợ để cung ứng hàng hóa đến với người dân là cần thiết. Theo đó, tiếp nối những thành công, hiệu ứng tích cực từ Dự án "Chợ nghĩa tình", giải pháp mô hình "Chợ truyền thống trực tuyến" ra đời.
Đến nay, mô hình triển khai mô tại 19 chợ, xử lý được 3.193 đơn hàng với tổng giá trị hơn 1,1 tỷ đồng. Hiện, với mong muốn giúp tiểu thương truyền thống khắc phục khó khăn trong bán hàng, Sở Công Thương TP HCM, FPT ra mắt "Chợ trực tuyến" trên ứng dụng Utop. Mô hình là cầu nối gắn kết tiểu thương, người dân, giúp cung ứng nhu yếu phẩm trở nên dễ dàng hơn trong thời điểm dịch bệnh.
Theo đó, với mô hình này, tiểu thương chợ truyền thống sẽ được hỗ trợ mở gian hàng trên ứng dụng Utop để tiếp cận với hình thức bán hàng công nghệ 4.0. Người dân ở nhà muốn đi chợ trực tuyến, sử dụng ứng dụng Utop, chọn chợ gần nhà để mua. Trên Utop, người tiêu dùng có thể tìm thấy những sạp hàng quen thuộc, những mối hàng quen thuộc giống như mình đang đi chợ thực tế. Sau khi chọn hàng xong, hàng sẽ được xử lý và giao tận nhà.
Để giúp tiểu thương truyền thống, nhân viên vận hành của Utop tại chợ sẽ tiếp nhận đơn hàng từ người dân, kiểm tra chất lượng mặt hàng nhận từ tiểu thương, giao hàng cho khách.
28 năm bán buôn theo kiểu truyền thống, chị Hồng không nghĩ đến gian hàng của gia đình có thể bán online. Tuy nhiên, điều đó trở thành hiện thực khi nhân viên Utop đến hỗ trợ. "Tôi sử dụng Utop từ tháng 10, nhân viên hỗ trợ đăng tải bán hàng, khi có khách đặt đơn sẽ gọi điện thông báo để tôi chuẩn bị. Từ ngày có Utop, mỗi ngày tôi bán thêm 10 đơn, nếu có khuyến mãi giảm 5% giá thì lên đến 20 đơn", chị Hồng thông tin.
Giống chị Hồng, chị Diễm cũng tìm hiểu về, quyết định vận hành Utop vào khâu bán hàng. Sau khi hoàn tất công việc sắp xếp hàng lên kệ, chị Ái Diễm, nhận điện thoại từ nhân viên Utop thông báo chuẩn bị 8 đơn hàng để giao vào buổi sáng. Thông thường, vào thứ 5, 6 hàng tuần, Utop thực hiện chương trình khuyến mãi nên khách đặt hàng đông hơn.
Với mô hình kinh doanh mới, chị Hồng, chị Diễm hy vọng bản thân sẽ thuần thục cách bán hàng thời 4.0, tiếp cận người tiêu dùng trên nhiều phương diện. Xa hơn, cả hai mong muốn công việc làm ăn suôn sẻ, bán hàng thuận lợi, gia đình có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
Người dân có thể đi chợ trực tuyến bằng cách tải ứng dụng Utop hoặc mua trực tuyến tại website utop.vn.
Lê Nguyễn