3 ngày sau "hạn chót" phải dừng kinh doanh, chuyển hết hàng hóa khỏi Trung tâm thương mại Parkson Landmark Keangnam (Hà Nội), nhiều hộ kinh doanh tại đây vẫn không hết bất ngờ và trở tay không kịp trước quyết định của đơn vị quản lý tại đây. Nhiều người chưa thể hoàn tất việc chuyển hàng, trong khi lý do thực sự của quyết định, cũng như hướng xử lý đối với các hợp đồng còn thời hạn... vẫn là dấu hỏi lớn.
Thuê mặt bằng kinh doanh quần áo thời trang tại đây, một tiểu thương cho hay vì không biết trước kế hoạch, cửa hàng vẫn đang đặt sản xuất đồ mới. "Giờ tạm ngưng thì vốn đóng băng, nhân viên bán hàng gần như mất việc”. Chị cho biết trong thông báo gửi tới các hộ, phía Parkson hứa sẽ đảm bảo mọi quyền lợi của khách hàng, đối tác nhưng đến nay vẫn chưa có một giải pháp hoặc phản hồi gì được đưa ra.
Chịu thiệt hại lớn hơn, anh Nguyễn Văn Đính, quản lý siêu thị Citimart tại đây cũng cho biết chỉ nhận được thông báo 2 ngày trước hạn chót. Do diện tích sàn thuê lên tới hơn 1.000 m2, khối lượng hàng hóa lớn (khoảng 10 tỷ đồng), công ty phải huy động nhân viên ở các siêu thị khu vực khác sang dọn hàng. “Hôm nay 5/1, chúng tôi mới chuyển được khoảng 50% hàng hóa ra bên ngoài. Với thực phẩm, siêu thị phải nhờ các địa điểm khác phân phối hộ”, anh Đính nói.
Vị này còn cho biết thêm, thời hạn hợp đồng thuê mặt bằng giữa công ty với Parkson là 5 năm, đến giữa năm 2016 mới chấm dứt. Ngoài ra, giá thuê đang được tính cho từng m2 mặt sàn. Theo hợp đồng 2 năm, nếu doanh thu đạt mức cao nhất định sẽ tính thêm vào giá thuê.
Bức xúc vì thiệt hại quá lớn, lãnh đạo siêu thị này cho biết đã liên tục tìm cách liên hệ với phía Parkson mà không được. “Lo gói gém di chuyển hàng hóa, công ty còn lo thu xếp chỗ làm mới cho hơn 100 nhân viên bán hàng, nên không mất nhiều thời gian trông chờ vào lời hứa đảm bảo lợi ích đối tác mà Parkson đã nói”, đại diện siêu thị bày tỏ.
Nhiều chủ gian hàng phỏng đoán việc đóng cửa bất ngờ trung tâm thương mại này bắt nguồn từ nguyên nhân thua lỗ của đơn vị quản lý. Điều này cũng phần nào được thể hiện tại báo cáo tài chính ảm đạm trước đó của Parkson về mảng kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.
Trao đổi với VnExpress, một đại diện của Paskson Việt Nam cho biết, sự việc đóng cửa trung tâm ở Hà Nội không chỉ đơn thuần là chuyện thua lỗ mà còn liên quan đến nhiều vấn đề khác. Mọi việc đang được phía Parkson cùng với chủ đầu tư tòa nhà Keangnam họp bàn trong chiều 5/1 để thống nhất hướng giải quyết. Đơn vị này cũng cam kết sẽ đảm bảo quyền lợi của các tiểu thương tại đây bằng cách tìm địa điểm kinh doanh mới cho họ.
Với 9 trung tâm lớn Việt Nam, đa phần các điểm mua sắm của Parkson đều nằm ở những vị trí rất thuận lợi và đắc địa. Tuy nhiên, lượng khách ghé thăm và mua sắm những năm gần đây ngày càng sụt giảm. Chẳng hạn dù nằm ở tuyến đường trung tâm, hấp dẫn mua sắm nhất TP HCM, hoạt động kinh doanh ở Paskson Lê Thánh Tôn (quận 1) không mấy nhộn nhịp, lượng khách đến trung tâm chủ yếu là ăn uống và tham quan.
Chị Lan, một tiểu thương kinh doanh quần áo trẻ em tại đây cho hay phí thuê mặt bằng 940.000 đồng một m2 mỗi tháng, nhưng vì lượng khách quá ít nên nhiều khi vẫn phải bù lỗ. “Giá mặt bằng ở đây thấp hơn nhiều so với trung tâm khác, mặt bằng rộng khoảng 30m2, một tháng tôi chỉ phải trả 30 triệu đồng. Tuy nhiên, với việc cả ngày chẳng bán được món đồ nào thì không phải là không có tháng lỗ. Trung tâm có khi phải hỗ trợ thuế và một số chi phí khác”.
Giá quần áo trẻ em tại quầy của chị dao động quanh mức 200.000-500.000 đồng một sản phẩm, theo chị đây là mức giá vừa phải tuy nhiên với tâm lý trung tâm thương mại bán giá cao nên nhiều khách hàng vẫn ái ngại tìm đến. Họ chỉ đi tham quan chứ ít khi mua, chỉ có những khách hàng thân thiết có thẻ VIP mới ghé lựa. Mặc dù vậy, những khách hàng này thường chọn những ngày “VIP Day” để được mua hàng giảm giá tới 50%.
Một chủ quầy mỹ phẩm tại đây cũng cho biết, có ngày chị bán không nổi một hộp kem. "Chẳng qua vì giá mặt bằng tương đối ổn định, chỉ phải trả theo tháng nên cũng ráng liệu cơm gắp mắm, tranh thủ bán ưu đãi cho khách vào những dịp lễ", chị nói.
“Chỉ có những ngày đại hạ giá, lượng khách vào mua mới tăng mạnh, thậm chí gấp chục lần so với ngày thường. Tuy nhiên, vì giá giảm nhiều nên lợi nhuận và doanh thu bù qua bù lại cũng không cao”, nhân viên kinh doanh thắt lưng, túi xách ở đây nói.
Ra đời muộn hơn so với trung tâm ở Lê Thánh Tôn, Parkson Hùng Vương (quận 5) và Parkson Cantavil (quận 2), Paskson Trường Sơn (Tân Bình)... cũng không tránh khỏi hoạt động kinh doanh ảm đạm. Vào những ngày Thứ bảy và Chủ nhật, khách của trung tâm đa số bấm thang máy lên các tầng ăn uống và khu rạp chiếu phim.
“Thỉnh thoảng, vài vị khách ghé vào các gian hàng quần áo, mỹ phẩm xem hàng, dùng thử rồi đi. Nếu có mua thì cũng mua vài món có giá trị thấp”, nhân viên một quầy bán quần áo tại Parkson Hùng Vương nói.
Nhiều chủ cửa hàng ở đây cũng cho biết, mặc dù cuối năm là dịp mua sắm đông đúc, tuy nhiên, lễ Noel năm nay lượng khách giảm mạnh so với năm ngoái. Nhiều nhân viên bán hàng chỉ ngồi lướt net, chơi điện tử, nên thay vì giữ số lượng 2-3 người, nhiều chủ quầy đã giảm chỉ còn 1-2 người.
Xung quanh việc đóng cửa Trung tâm thương mại Parkson tại tòa nhà Keangnam (Hà Nội), ông Nguyễn Trọng Lượng - Phó chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết theo báo cáo ban đầu, nguyên nhân dẫn đến quyết định trên là tình hình kinh doanh khó khăn của đơn vị quản lý cũng như các hộ kinh doanh. Cơ quan này cũng ghi nhận một số trường hợp phải chấm dứt thuê mặt bằng trước hạn hợp đồng, nhưng đến nay chưa nhận được đơn từ khiếu nại nào của các tiểu thương. Vị Phó chủ tịch cho biết, UBND quận đã giao trách nhiệm cho đội Quản lý thị trường số 6 chủ động làm việc với Parkson để có báo cáo cụ thể về sự việc. Quan điểm của quận là luôn tạo điều kiện thuận lợi cho bất kỳ doanh nghiệp nào kinh doanh trên địa bàn nhưng phải đảm bảo an toàn, an ninh trật tự xã hội. |
Hồng Châu - Thành Tâm