Trung tâm thương mại (người dân hay gọi là chợ) Đại Quang Minh là nơi bán nguyên phụ liệu ngành may mặc lớn nhất TP HCM. Mới đây, các tiểu thương đã làm đơn xin tạm ngưng kinh doanh gửi lên Chi cục thuế của quận.
Theo họ, gần cuối tháng 3, Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Sài Gòn (Satraseco) - chủ sở hữu của trung tâm này - đơn phương gửi thông báo tăng 50-130% giá thuê sạp 6 tháng cuối năm và đầu năm 2023.
Ngoài ra, công ty còn yêu cầu tiểu thương đặt cọc 3 tháng tiền thuê sạp (tiền ký quỹ). Nếu không thực hiện theo thông báo trên, sau ngày 31/5, công ty sẽ thu lại mặt bằng.
Gắn bó 32 năm tại chợ này, bà Hương, người có sạp nguyên phụ liệu may mặc ở dãy A, cho biết chưa bao giờ phải chịu mức tăng giá "sốc" như thế. Mức tăng nếu có trước đây chỉ quanh 10-30%.
"Vài năm giá tăng một lần tôi vẫn chấp nhận. Đặc biệt, 2 năm Covid-19, nhiều lần chúng tôi phải nghỉ, không kinh doanh nhưng vẫn đóng tiền mặt bằng. Thế nhưng, giờ chúng tôi chưa kịp phục hồi sau dịch, họ lại đòi tăng giá liên tục", bà Hương nói.
Sạp gần 3 m2 của bà có giá thuê hơn 3 triệu đồng một tháng nhưng theo giá mới sẽ lên gần gấp đôi, khoảng 6 triệu đồng từ 1/6. Sang đầu năm 2023, công ty sẽ điều chỉnh giá sạp lên 8 triệu đồng, gấp 2,6 lần đầu năm nay. Mức tăng này bà Hương cho rằng bất hợp lý vì nếu cộng cả thuế phí và tiền thuê sạp, còn cao hơn cả doanh thu bán hàng mỗi tháng hiện nay.
Đồng cảnh ngộ, ông Thành, người có sạp ở dãy B, cũng thấy việc tăng giá hiện nay quá sức chịu đựng khi quầy hơn 8 m2 phải mất 13,6 triệu đồng để thuê, tăng 69% so với hiện tại. Nếu tính cả lần tăng theo lộ trình vào 1/1/2023, mức tăng sẽ lên tới 124%, tức gấp hơn hai lần đầu năm nay.
Chị Hương đã kinh doanh hơn 30 năm tại đây, từ khi nó còn đìu hiu. Chị cùng các tiểu thương khác đã đóng tiền xây dựng cho công ty với trị giá hàng chục cây vàng. "Thế nhưng, khi điều chỉnh tăng giá họ không thảo luận với tiểu thương mà tự ý áp đặt mức giá trên", chị nói.
Đại diện các tiểu thương khẳng định họ không phản đối việc tăng giá "nhưng phải theo thông lệ thị trường và phải có lộ trình rõ ràng". Giá thuê mặt bằng phải phù hợp và tương xứng với cơ sở vật chất tại chợ.
Hiện chợ này có 150 sạp quầy nhưng chỉ có một khu nhà vệ sinh công cộng, công trình tại đây xuống cấp nghiêm trọng khi tường liên tục thấm nước và dột.
Họ cũng đề nghị công ty không nên buộc các chủ sạp đóng tiền ký quỹ vì đây là hành động chiếm dụng vốn của tiểu thương. Ngoài ra, khi tăng giá cần lấy ý kiến của tiểu thương và gia hạn hợp đồng ít nhất 2 năm một lần thay vì một năm 2 lần như hiện nay.
Chia sẻ với VnExpress, ông Phạm Thế Hanh, Tổng giám đốc Satraseco, cho biết mức giá điều chỉnh phù hợp với thị trường và căn cứ theo giá mặt bằng chung trên cơ sở diện tích và hệ số K (giá dựa vào vị thế, vị trí đắc địa...).
Vị này cho rằng giá thuê đang ở mặt bằng chung rất thấp nên kỳ điều chỉnh này công ty tăng theo đúng với thị trường. Để tránh tăng quá mạnh, họ chia làm 2 đợt trong năm. Giai đoạn 1 là 6 tháng đầu, tăng 40-60% và giai đoạn 2 là 6 tháng tiếp tăng 40-50%.
Ngoài ra, mức giá thuê mới là phù hợp với giá trị tiểu thương sắp nhận được vì công ty đang cải tạo sửa chữa nâng cấp để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và phục vụ tốt hơn.
Ông Hanh cho biết sau khi ra thông báo, công ty đã mời từng tiểu thương trao đổi, giải thích về lý do tăng giá nhưng một số đã không đến hoặc tỏ ra không thiện chí.
Riêng với tiền đặt cọc 3 tháng, ban lãnh đạo Satraseco cho rằng giao dịch liên quan đến bất động sản thì đều có điều khoản đặt cọc và điều này phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015. Năm 2004, Satraseco đã cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nên trung tâm thương mại này được tính vào tài sản của doanh nghiệp cổ phần hóa. Satraseco là chủ sở hữu hợp pháp với trung tâm này nên có quyền đưa ra các quyết định về cho thuê mặt bằng.
Quy định đặt cọc 3 tháng được Satraseco đưa vào điều khoản hợp đồng năm 2017. Tuy nhiên, tới nay mới chỉ có 17 tiểu thương đóng cọc, số còn lại vẫn không đồng ý số tiền này.
Trước sự bất đồng giữa 2 bên, Satraseco sẽ có buổi trao đổi trực tiếp với tiểu thương nhưng vẫn theo cơ chế cũ - đối thoại riêng từng người. Trong khi đó, tiểu thương trung tâm này muốn đối thoại công khai để biểu quyết thỏa thuận giá.
Ông Lê Văn Cường, Trưởng ban đại diện cho 150 tiểu thương, cho hay đã gửi đơn khiếu nại tới UBND phường 14, UBND quận 5 và UBND TP HCM.
Ngày 4/5, UBND phường 14, quận 5 đã có công văn gửi tới Satraseco. Trong đó, phường nhận thấy thành phố đang trong giai đoạn kiểm soát dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế nên đề nghị công ty xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện ký kết lại hợp đồng và tăng giá thuê ở thời điểm khác, có thể vào tháng 1/2023.
Ông Võ Thành Tới, Chủ tịch UBND phường 14 cho biết, từ tháng 3 đến nay, địa phương này đã 2-3 lần mời hai bên trao đổi. "Tuy nhiên, chúng tôi chỉ là cầu nối tiếp xúc, gặp gỡ giữa công ty với tiểu thương, chứ không thể can thiệp vào nội dung thỏa thuận giữa các bên theo hợp đồng dân sự", ông nói.
Hôm 30/5, Satraseco tiếp tục giải thích lý do tăng giá bằng văn bản với tiểu thương và khẳng định, nếu khách hàng không chấp hành sẽ thanh lý hợp đồng và thu quầy.
Theo nhóm tiểu thương này, thời điểm 1990-1991, để có một chỗ sạp rộng bình quân 4 m2, mỗi hộ đã góp hơn 10 cây vàng vào năm đầu tiên. Năm 2005, họ đóng tiền cơ sở vật chất 100 triệu đồng (tương đương 12 cây vàng)....
Satraseco tiền thân là Công ty Vải sợi May mặc thành phố, thành lập năm 1976 trực thuộc Sở Thương Nghiệp. Sau nhiều lần đổi tên, đến cuối năm 2003, công ty cổ phần hóa và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Năm nay công ty đặt kế hoạch doanh thu 44 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 15,5 tỷ đồng.
Thi Hà
* Tên các tiểu thương đã được đổi