"Việc cắt điện tại chợ đã thông báo tiểu thương từ trước, đồng thời hệ thống loa phát thanh liên tục phát, thông báo đến những hộ kinh doanh", ông Vũ Chí Hiếu, Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang, nói.
Thành phố cũng dừng thu phí bảo vệ, phí thuê lô, sạp đối với các hộ kinh doanh ở chợ cũ và chỉ bố trí người bảo vệ tài sản, an ninh trong khu vực.
Theo Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang, chợ Đầm có khoảng 1.200 hộ kinh doanh, trong đó hơn 1.000 hộ đã đồng ý chuyển sang chợ mới, nằm sát chợ cũ. Với gần 200 tiểu thương còn lại, trước mắt, thành phố vận động họ di dời. Nếu họ không đồng ý, thành phố sẽ có phương án tiếp theo sau khi báo cáo tỉnh.
Sau khi bị cắt điện, nhiều tiểu thương vẫn mở cửa bán. Họ chong đèn để trưng bày và giới thiệu các mặt hàng mỗi khi có khách ghé, song rất ít người mua. Bà Đoàn Thị Xuân Hương, 56 tuổi, chủ sạp vải tại tầng hai, cho biết những ngày này bà buôn bán ế ẩm. Dù thiếu sáng, bà vẫn mở cửa vì còn hàng rất nhiều.
Theo nữ tiểu thương, gần 30 năm trước, bà mua sạp với số tiền tương đương một lô đất khi đó, nhưng bị yêu cầu dời đi thì không được hỗ trợ. "Chúng tôi không đồng ý di dời là do lô, quầy ở chợ mới có diện tích quá nhỏ, giá thuê mặt bằng cao, từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng", bà Hương nói.
Hồi tháng 1, chợ cũng bị cắt điện nước, sau khi UBND tỉnh có kế hoạch sắp xếp lại các hộ kinh doanh tại chợ Đầm mới. Tuy nhiên, sau khi đối thoại với tiểu thương, UBND Nha Trang đã mở lại điện nước để họ bán dịp Tết. Còn kế hoạch di dời các hộ kinh doanh sang chợ mới vẫn không thay đổi.
Được xây dựng năm 1970, chợ Đầm cao hai tầng, với kiến trúc hình tròn, mái xếp chữ V, tượng trưng cho hoa sen thuần khiết. Đây trở thành địa điểm thu hút du khách khi đến Nha Trang.
Hơn 40 năm hoạt động, do chợ đã xuống cấp, quy mô không đáp ứng được quy hoạch của chung của thành phố nên UBND Khánh Hòa đã cho xây lại chợ mới.
Tháng 8/2013, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang thực hiện dự án chợ Đầm Nha Trang. Khu chợ mới rộng hơn 21.000 m2 với ba tầng, 1.000 lô sạp đã đi vào hoạt động năm 2020.
Theo quy hoạch, chợ cũ sẽ bị dỡ bỏ để xây quảng trường, vườn hoa, sân bãi. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương không đồng thuận di dời, kiến nghị tỉnh giữ lại chợ truyền thống. UBND Khánh Hòa sau đó dừng lại quy hoạch phá dỡ chợ cũ.
Xuân Ngọc