Trong tháng 3, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) bán 19.154 xe, tăng nhẹ 10% so với tháng trước đó nhưng giảm 40% nếu so sánh cùng kỳ 2019. TC Motor tương tự, hãng bán 5.086 xe, tăng nhẹ 17% so với tháng 2/2020 nhưng cũng giảm chừng ấy so với tháng 3 năm ngoái.
Mức tăng trưởng nhẹ của tháng 3/2020 không đủ sức kéo thị trường đi lên sau giai đoạn Tết vốn có nhiều lực cản, đặc biệt gặp dịch Covid-19.
Ba tháng đầu 2020, doanh số của VAMA đạt 50.009 xe, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý có sức mua thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Nếu cộng thêm doanh số của TC Motor, hãng phân phối xe Hyundai (15.362 xe), toàn thị trường trong quý I/2020 tiêu thụ tổng 65.371 xe, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bức tranh giảm chung của toàn thị trường, doanh số bán xe của tất cả các thương hiệu xe con đều sụt giảm. Ngoại lệ đối với Isuzu, hãng xe có mức tăng trưởng 27% của quý I/2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, Isuzu chủ yếu bán các dòng xe thương mại, chỉ có hai mẫu: xe SUV 7 chỗ mu-X và xe bán tải D-Max được xếp vào hàng xe con.
Những thương hiệu thường có doanh số tốt như Toyota, Ford, Thaco (Kia, Mazda), Mitsubishi sau giai đoạn này đều sụt giảm. Trong đó sau nhiều năm, lần đầu Thaco không có một sản phẩm nào góp mặt trong danh sách top xe bán chạy nhất thị trường.
Tính đến hết tháng 3/2020, các thương hiệu giảm lần lượt Peugeot -56%, Mazda -49%, Ford -48%, Honda -39%, Toyota -28%, Hyundai -9,1%. Những hãng xe thương mại là ngoại lệ khi phần lớn đều ghi nhận mức tăng trưởng dương.
Dự đoán của nhiều chuyên gia về một khởi đầu kém sắc của ngành ôtô trong nước trở thành hiện thực khi kết thúc quý I/2020. Ngoài sức mua thường phục hồi chậm sau giai đoạn Tết, thị trường bắt đầu chịu tác động của dịch Covid-19 trong tháng Ba.
Khách hàng đến tìm hiểu, mua xe tại đại lý giảm về lượng do lo ngại dịch bệnh, các nhu cầu đi lại, sắm xe chạy dịch vụ đều tạm trời ngưng trệ. Đây là những lý do khiến sức mua tăng trưởng yếu trong tháng Ba, không thể kéo thị trường tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
Bước vào tháng Tư, thị trường trong nước được dự đoán tiếp tục suy giảm khi nhiều showroom xe tạm thời đóng cửa trong thời gian 1/4-15/4 theo yêu cầu của Chính phủ. Nhiều hãng xe cũng tạm ngưng hoạt động sản xuất để bảo vệ sức khỏe nhân viên. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh đang tiến triển theo hướng tích cực nhưng chưa thể nói kiểm soát hoàn toàn, tâm lý khách hàng vì thế khó được "giải phóng" hoàn toàn để nghĩ đến việc mua ôtô.
Thành Nhạn