Theo thống kê của ngành điện thành phố, số lượng khách hàng thanh toán tiền điện sinh hoạt bậc cao (thứ 5, 6) đã giảm trung bình khoảng 10,76 % so với các tháng 4 và 5. Trong đó, số lượng khách hàng sử dụng điện sinh hoạt ở bậc thang thứ 6 (từ 401 kWh trở lên với giá 3.015 đồng) đã giảm 11,3% (khoảng 270.000 khách hàng) so với tháng cao điểm mùa nắng nóng.
Điện lực TP HCM cho rằng nguyên nhân tiêu thụ điện sinh hoạt ở bậc giá cao giảm là do Nam bộ đã vào mùa mưa, tiết trời dịu mát hơn. Về đêm, không khí không còn oi nóng nên nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như máy lạnh giảm. Thời gian sử dụng các thiết bị làm mát rút ngắn hơn trước, không còn dùng liên tục ở mức nhiệt độ thấp (18-23 độ C) nên sản lượng điện tiêu thụ của các gia đình giảm.
"Giá điện sinh hoạt tháng qua chủ yếu rơi vào trong khoảng từ bậc 1 đến bậc 4, chỉ một phần ít bậc 5-6 làm cho chi phí giảm", đại diện doanh nghiệp nói.
Một yếu tố khác là ý thức tiết kiệm điện của người dân tốt hơn. Thời gian qua, nhiều hộ gia đình chủ động mở cửa sổ về đêm để đón gió, tận dụng khí mát thay vì dùng điều hòa. Các giải pháp tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm của thành phố cũng được đánh giá phát huy hiệu quả.
Theo ông Bùi Trung Kiên - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP HCM, hiện nay 100% khách hàng đã được lắp đặt công tơ đo đếm từ xa. Hệ thống này thu thập chỉ số điện từ xa để tính toán hóa đơn, cung cấp một số thông tin liên quan như cảnh báo điện năng sử dụng tăng, giảm bất thường, các thông số vận hành về dòng điện, điện áp, hệ số công suất... Thông tin được tự động gửi đến người dùng thông qua app EVNHCMC CSKH. Từ đó, người dùng có thể chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng điện.
"Chúng tôi kêu gọi mọi người đồng hành để áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện sao cho trở thành thói quen, xuyên suốt chứ không phải giải pháp tình thế chỉ trong các tháng nắng nóng" ông Bùi Trung Kiên nhấn mạnh.
Hoài Phương