Ngày 4/2, bác sĩ Trần Đức Dũng, khoa Tiết niệu trên, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết bệnh nhân thể trạng yếu, thiếu máu, hình ảnh chụp thận đa nang hai bên, bên phải chảy máu trong nang thận. Soi bàng quang có máu đỏ phun từ thận phải.
"Vì thận đa nang kích thước lớn trên bệnh nhân thiếu máu nên phải phẫu thuật đường bụng, kiểm soát cuống mạch thận, hạn chế chảy máu và tổn thương tạng xung quanh", bác sĩ Dũng nói. Khối u được lấy ra kích thước hơn 30 cm, nặng 2,8 kg.
7 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định, được chuyển đến khoa lọc máu theo chu kỳ.
Bác sĩ Dũng đánh giá đây là ca phẫu thuật khó, đòi hỏi tỉ mỉ tránh làm tổn thương ruột và hạn chế chảy máu. Kỹ thuật cầm máu trong mổ rất quan trọng vì sau khi lấy thận để lại một khoang trống rộng lớn, rất dễ chảy máu thứ phát khi bệnh nhân chạy thận nhân tạo sau mổ ngày thứ hai.
Người bệnh bị thận đa nang nên khám sức khỏe thường xuyên theo hẹn để kiểm soát huyết áp, ăn ít muối, ít protein, uống đủ nước, uống thuốc kháng sinh khi có nhiễm khuẩn. Đặc biệt bệnh nhân có thể cân nhắc ghép thận trong tương lai.
Bệnh thận đa nang (Polycystic kidney disease) là bệnh di truyền, thường biểu hiện lâm sàng sau 30-40 tuổi, rất ít gặp khởi phát bệnh khi còn nhỏ. Bệnh thận nang có thể kết hợp với nang gan cùng các bất thường tim mạch, dẫn tới suy thận giai đoạn cuối.
Lê Nga