![]() |
Chuồng trại nuôi gia cầm phải được khử trùng kỹ lưỡng |
Quy trình này đã được bộ đội hóa học thực hiện khi tiêu hủy hơn 117.000 con gà ở trại của Công ty CP ở Chương Mỹ, Hà Tây hồi giữa tháng này. Ông Nguyên cho biết, quân đội với lực lượng, trang thiết bị đầy đủ mới có thể xử lý tốt những vấn đề môi trường lớn mà dịch cúm gà đang gây ra.
Thượng tá, thạc sĩ Lâm Vĩnh Ánh, Trưởng phòng Công nghệ thuộc Trung tâm Xử lý công nghệ môi trường (Bộ Tư lệnh hóa học) là người trực tiếp chỉ đạo việc tiêu hủy gia cầm này. Ông cho biết có thể xử lý gia cầm vùng dịch theo hai cách chính: đốt và chôn lấp. Biện pháp đốt đòi hỏi phải có lò thiêu tiêu chuẩn, đạt 1.500 độ trở lên và phải có hệ thống xử lý khí thải, trong điều kiện Việt Nam khó có thể áp dụng được. Biện pháp kinh tế và an toàn nhất là chôn lấp.
> Các nhà khoa học nói về ô nhiễm tại hố chôn gà dịch > Báo động từ những hố chôn gà vịt > TP HCM vệ sinh môi trường chống cúm gà |
Quy trình chôn lấp được thực hiện như sau: Đào hố ở những vùng đất sét, phần đáy được lót cát, sau đó cả thành và đáy được phủ bột chống thấm bentonike mỏng. Nilon được dán liền trải dưới đáy và bao quanh thành. Gà tiêu hủy đóng trong bao tải, rải xuống hố theo từng lớp có phun chế phẩm sinh học EMC và DW-97. Khi gà cách miệng hố 30cm, đổ đất dày 20cm, giữa hố phủ đá dày 30cm để đặt giàn thu khí. Tiếp theo phủ đất 20cm và phủ một lớp bentonike. Sau đó hàn kín miệng nilon rồi đổ tiếp một lớp bentonike và phủ đất dày 1,5m.
Bentonike là chất gia cố chống thấm, khi có nước vào sẽ giãn nở bít mọi khe hở không để nước trong hố thấm ra. Các chế phẩm sinh học được sử dụng sẽ giúp phân hủy nhanh và khử mùi. Quá trình phân hủy diễn ra trong 6-12 tháng, sinh rất nhiều thán khí sẽ được xử lý bằng đốt. Sau khi chôn lấp, toàn bộ khu vực được tiêu độc bằng Ca(ClO)2 68% Cl2.
Tuy nhiên theo thiếu tá Ánh, công nghệ này chỉ có thể áp dụng với việc chôn lấp quy mô lớn. Như ở Công ty CP, quy mô chôn lấp là hơn 300 tấn, trong 8 hố dung tích hơn 120m3/hố. Giá thành xử lý lại khá cao, 3-4 triệu đồng/tấn. Vì vậy khó áp dụng với những hộ chăn nuôi nhỏ, quy mô vài nghìn gia cầm. Trong trường hợp này, ông cho rằng có thể đào hố ở những vùng đất sét, xa nguồn nước. Hố được rải nilon dày chống thấm, sau đó bỏ gia cầm chết kết hợp rải chế phẩm sinh học có sẵn trên thị trưởng như chế phẩm AM, Microphot (vẫn thường dùng để cho vào hố tự hoại nhà vệ sinh). Điều bắt buộc là phải có ống thoát khí trước khi lấp kín hố. Đầu vụ dịch, CP đã chôn hơn 35.000 con gà không đảm bảo yêu cầu, thán khí sinh mạnh đã gây nổ phá tung hố chôn, bốc mùi nồng nặc ra xung quanh.
Một cách khác các hộ chăn nuôi nhỏ, ở cách biệt với khu dân cư có thể tiến hành là tẩm dầu đốt hủy gia cầm kết hợp với chôn lấp. Nhiệt độ cao sẽ tiêu diệt virus. Sau khi đốt, thịt gia cầm tương đối chín nên sẽ làm giảm tốc độ phân hủy, có thể chôn mà không ảnh hưởng nhiều tới khu vực xung quanh.
Sau 1 tháng dịch bùng phát, cả nước đã có trên 5 triệu gia cầm phải tiêu hủy. Việc chôn lấp bắt đầu gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Một số khu vực ở phía Nam đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do khí độc thoát ra từ các hố chôn chưa đúng tiêu chuẩn. Nước từ các hố đang có nguy cơ chảy ra khu vực xung quanh và ngấm vào tầng nước bề mặt. Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, cần kiểm tra nghiêm ngặt việc chôn lấp, tiêu hủy gia súc đúng quy trình kỹ thuật để hạn chế những tác động xấu đến môi trường sau này.
Nghĩa Nhân