Tiểu hành tinh tên 2002 NN4 được các nhà thiên văn học phát hiện lần đầu tiên vào năm 2002 có đường kính ước tính lên tới 570 m, theo Trung tâm Nghiên cứu Vật thể gần Trái Đất của NASA. Nó đang quay xung quanh Mặt Trời với tốc độ lên tới 32.000 km/h, nhanh gấp 10 lần đạn bay.
Vào thời điểm gần Trái Đất nhất trong quỹ đạo vào hôm 6/6, thiên thể vẫn còn cách chúng ta hơn 5 triệu km, tương đương 13 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trăng nên không gây nguy hiểm. Theo NASA, tất cả vật thể không gian bay trong khoảng 120 triệu dặm (≈ 193 triệu km) tính từ Trái Đất đều được coi là "tiếp cận gần" và tiềm ẩn nguy cơ va chạm.
Với đường kính gấp 6 lần sân bóng đá, 2002 NN4 sẽ gây ra thảm họa nếu đâm phải Trái Đất. Tuy nhiên, xác suất xảy ra va chạm là rất thấp. Các nhà thiên văn học đang theo dõi gần 2.000 tiểu hành tinh, sao chổi và thiên thể không gian nhưng không tìm thấy bất kỳ vật thể lớn nào có khả năng va chạm với hành tinh của chúng ta.
"Thảm họa toàn cầu chỉ xảy ra khi các vật thể lớn hơn 900 m đâm xuống Trái Đất. Ít nhất là trong vài trăm năm tới, sẽ không có vật thể nào như vậy có khả năng tấn công chúng ta", NASA nhấn mạnh.
Theo tính toán của các nhà thiên văn học, lần tiếp theo 2002 NN4 tiếp cận gần Trái Đất là vào tháng 6/2029.
Đoàn Dương (Theo Space/Sun)