Nhà nghiên cứu người Hungary Krisztián Sárneczky phát hiện một tiểu hành tinh mới từ đài quan sát ở Hungary. Đến khoảng 1h30 hôm 21/1 theo giờ địa phương (7h30 theo giờ Hà Nội), tiểu hành tinh này tiến vào khí quyển Trái Đất và bốc cháy trên bầu trời miền đông nước Đức.
Đây mới chỉ là lần thứ 8 trong lịch sử một tiểu hành tinh được phát hiện trước khi đâm vào Trái Đất và là lần thứ 3 Sárneczky làm điều này. Ông từng phát hiện một tiểu hành tinh rơi xuống phía bắc Iceland năm 2022 và một tiểu hành tinh khác lao qua phía trên Eo biển Manche năm ngoái.
Tiểu hành tinh hôm 21/1 rộng khoảng 1 m, theo Denis Vida, tiến sĩ vật lý thiên thạch tại Đại học Western, Canada. Ông là nhà sáng lập Dự án Thiên thạch Toàn cầu, đặt mục tiêu quan sát các thiên thạch tốt hơn bằng một mạng lưới camera toàn cầu hướng lên không gian.
Vida chia sẻ trên mạng xã hội X một trong những thước phim rõ nét nhất về tiểu hành tinh, được ghi hình bởi camera livestream ở thành phố Leipzig, Đức. Tiểu hành tinh có thể đã tạo ra một số mảnh thiên thạch rơi xuống mặt đất trong quá trình lao qua khí quyển và phân rã. Vida cũng cho biết, tiểu hành tinh bắt đầu phân rã khi cách Berlin khoảng 50 km về phía tây.
Tiểu hành tinh ban đầu được gọi là Sar2736, sau đó được trung tâm hành tinh nhỏ thuộc Liên đoàn Thiên văn Quốc tế (IAU) chính thức đặt tên là 2024 BX1. Ngoài Đức và Hungary, trung tâm này ghi nhận dữ liệu về 2024 BX1 từ nhiều đài quan sát ở các nước châu Âu, bao gồm Tây Ban Nha, Croatia và Romania.
NASA cũng xác nhận chuyến ghé thăm của 2024 BX1 bằng một bài đăng trên mạng xã hội X khoảng 20 phút trước khi tiểu hành tinh này tiến vào khí quyển. "Cảnh báo: Một tiểu hành tinh nhỏ sẽ phân rã thành một quả cầu lửa vô hại ở phía tây Berlin, gần Nennhausen, lúc khoảng 1h32 sáng. Những người quan sát sẽ nhìn thấy nó nếu trời quang đãng", NASA viết.
Thu Thảo (Theo CBS News)