Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho hay, tiểu hành tinh 2004 BL86 sẽ bay qua Trái Đất ở khoảng cách 1,2 triệu km, gần gấp ba lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng.
Các nhà thiên văn chuyên nghiệp và không chuyên ở Mỹ, châu Âu và châu Phi có thể quan sát hiện tượng này từ 20h ngày 26/1 đến 1h sáng 27/1 theo giờ EST (8h-13h ngày 27/1 giờ Hà Nội). Một chiếc kính thiên văn nhỏ hoặc ống nhòm là dụng cụ cần thiết để quan sát được tiểu hành tinh 2004 BL86.
"2004 BL86 không gây đe dọa cho Trái Đất, nhưng đây là khoảng cách tiếp cận tương đối gần từ một tiểu hành tinh lớn. Do đó, đây là cơ hội đặc biệt để có thể quan sát và nghiên cứu nhiều hơn", Reuters dẫn lời chuyên gia Don Yeomans nói.
Theo NASA, 2004 BL86 sẽ là tiểu hành tinh lớn nhất bay qua Trái Đất ở độ gần này cho đến khi tiểu hành tinh 1999 AN10 xuất hiện năm 2027.
Các nhà khoa học dự định lập bản đồ bề mặt 2004 BL86 bằng hệ thống radar, trong quá trình nó bay qua Trái Đất. Qua đó, họ có thể xác định rõ hơn kích thước, hình dáng, tốc độ quay và các đặc điểm khác.
Anh Hoàng