Tiểu hành tinh 2008 TZ3 sẽ bay qua cách Trái Đất 5,8 triệu km vào 5h18 ngày 16/5 giờ Hà Nội, theo Trung tâm nghiên cứu vật thể gần Trái Đất (CNEOS) của NASA, không lâu trước pha đầu tiên của nguyệt thực toàn phần dự kiến bắt đầu vào 9h32 cùng ngày. Dù khoảng cách 5,8 triệu km được xem là tiếp cận gần về mặt thiên văn, tiểu hành tinh trên hoàn toàn không có nguy cơ va chạm với Trái Đất.
"2008 TZ3 sẽ bay qua ở khoảng cách lớn gấp 15 lần so với quãng đường từ Trái Đất đến Mặt Trăng. Chúng tôi biết chính xác quỹ đạo của tiểu hành tinh và chúng tôi có thể dự đoán chắc chắn rằng nó sẽ không bay tới gần hơn vào hôm 16/5", Paul Chodas, giám đốc CNEOS, cho biết.
Trong suốt lần tiếp cận này, 2008 TZ3 sẽ di chuyển ở tốc độ 29.450 km/h, nhanh gấp khoảng 9 lần một viên đạn bắn từ súng trường. CNEOS ước tính tiểu hành tinh có kích thước 219 - 488 m. Ở khoảng trên của ước tính, nó sẽ lớn hơn tòa nhà Empire State ở New York, Mỹ.
Dựa trên biến động về độ sáng, chu kỳ quay của tiểu hành tinh 2008 TZ3 là 39 giờ, theo Chodas. Nó được phát hiện vào ngày 6/10/2008 bởi đài quan sát Mt. Lemmon Survey ở Arizona và các nhà khoa học đã theo dõi nó hơn 13 năm. 2008 TZ3 từng bay tới gần Trái Đất hơn trong năm 2016, 2018 và 2020. Năm 2008 đánh dấu lần bay qua gần nhất của tiểu hành tinh này với khoảng cách lớn gấp 6 lần so với Mặt Trăng.
2008 TZ3 là một trong nhiều vật thể gần Trái Đất (NEO), thuật ngữ dùng để chỉ bất kỳ thiên thể nào bay qua trong phạm vi 48 triệu km quanh hành tinh của chúng ta. Tính đến nay, giới thiên văn học đã phát hiện hơn 29.000 NEO, phần lớn trong số đó là tiểu hành tinh và có kích thước khá nhỏ. Hơn 2.260 NEO nằm trong danh mục "có khả năng gây nguy hiểm" xét theo quỹ đạo và kích thước lớn của chúng. Nhưng phân tích quỹ đạo của CNEO cho thấy không vật thể nào có khả năng đâm vào Trái Đất trong thế kỷ tới.
2008 TZ3 là một NEO cỡ vừa và có khoảng 5.000 thiên thể cùng danh mục lớn hơn nó. Những tiểu hành tinh cỡ vừa chỉ va chạm với Trái Đất với tỷ lệ trung bình là 1/100.000 năm, theo Chodas.
An Khang (Theo Newsweek)