Theo Business Insider, tiểu hành tinh 2011 UW-158 có kích thước khoảng 510 mét sẽ bay lướt qua Trái Đất ở khoảng cách 2,4 triệu km (gấp 6 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng), vào ngày mai. Do thiên thạch bay ở khoảng cách xa nên chúng ta không thể thấy nó bằng mắt thường.
Bên dưới bề mặt tiểu hành tinh 2011 UW-158 chứa rất nhiều khoáng sản bạch kim, một loại khoáng sản hiếm trên Trái Đất. Theo ước tính của công ty khai thác tiểu hành tinh Planetary Resources có trụ sở tại bang Washington, Mỹ, lõi tiểu hành tinh chứa 100 triệu tấn bạch kim. Giá trị tiềm năng của nó lên tới 5,4 nghìn tỉ USD.
Giới thiên văn học sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh tượng trên với sự giúp đỡ của Slooh, một dự án kết nối các kính thiên văn với mạng internet công cộng, rồi phát sóng trực tiếp hình ảnh từ một đài quan sát ở quần đảo Canary, Tây Ban Nha.
"Sẽ luôn là điều tuyệt vời khi có một tiểu hành tinh lướt qua thế giới của chúng ta. Trữ lượng bạch kim lớn ẩn giấu trong tiểu hành tinh sẽ được khai thác một ngày nào đó, ở tương lai không quá xa,"nhà thiên văn Bob Berman, nói.
Khai thác tiểu hành tinh sẽ trở thành công việc kinh doanh cực kỳ hiệu quả cho các tổ chức như Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). NASA hy vọng "bắt giữ" một tiểu hành tinh và đưa nó vào quỹ đạo quanh Mặt Trăng, tạo điều kiện để phi hành gia trong tương lai ghé thăm nó và thu thập mẫu vào đầu năm 2025.
NASA cho biết vật liệu đông lạnh trên các tiểu hành tinh có thể được sử dụng trong việc xây dựng những cấu trúc trong không gian, hoặc tạo ta nhiên liệu tên lửa để thám hiểm hệ Mặt Trời trong thế kỷ XXI.
Lê Hùng