Dưới đây là phần chia sẻ của ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước về thị trường chứng khoán Việt Nam.
- Đã không ít ý kiến coi đầu tư trên thị trường chứng khoán như một kiểu đánh bạc, ông nghĩ gì về điều này?
- Có thể nói kết quả thị trường chứng khoán qua 12 năm đã xua đi điều tiếng với một ngành non trẻ nhưng hết sức quan trọng. Mặc dù diễn biến kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có nhiều biến động nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được thành tích hết sức đáng khích lệ. Thị trường chứng khoán thực sự trở thành kênh dẫn vốn dài hạn cho nền kinh tế, khoảng 700.000 tỷ đồng. Quy mô và thanh khoản thị trường đã có nhiều cải thiện, với khối lượng giao dịch tăng 30-40 lần so với năm đầu tiên. Số lượng tài khoản nhà đầu tư cũng ngày một gia tăng, khi mới có thị trường chứng khoán chỉ có khoảng 3.000 tài khoản nhưng đến hiện nay đã có 1,2 triệu tài khoản. Lượng vốn huy động qua thị trường, đặc biệt từ khối nhà đầu tư nước ngoài đến nay danh mục khối này khoảng 8 tỷ USD.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán sau 12 năm vẫn còn bộc lộ những tồn tại.
Cụ thể, hàng hóa tuy nhiều nhưng vẫn chưa phải những công ty thực sự lớn niêm yết, chất lượng hàng hóa còn những hạn chế, hiệu quả sử dụng vốn còn thấp. Hoạt động của các Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký có bước phát triển nhưng các sở phải tái cấu trúc lại. Với một quy mô thị trường như của Việt Nam thì việc hình thành 2 Sở giao dịch chứng khoán dẫn đến chia cắt thị trường, hiệu quả hoạt động chưa cao.
![]() |
Để thị trường chứng khoán hấp dẫn, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cổ phần hóa gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ảnh minh họa. |
- Cùng với việc tái cấu trúc nền kinh tế, thị trường chứng khoán phải thay đổi để bước vào giai đoạn phát triển mới hơn. Vậy, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đang làm gì để hiện thực hóa các yêu cầu này, thưa ông?
- Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã xây dựng đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm. Định hướng dài hạn thời gian tới là tập trung vào tái cấu trúc 4 trụ cột.
Thứ nhất, hàng hóa sẽ nâng cao tiêu chuẩn phát hành, niêm yết, tăng cường quản trị, công bố thông tin đối với doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn. Cùng với đó là đa dạng hơn các sản phẩm, tiếp tục thúc đẩy cổ phần hóa gắn với niêm yết để đưa hàng hóa chất lượng cao vào thị trường. Thứ hai, nhà đầu tư, củng cố và nâng cao tỷ trọng các nhà đầu tư có tổ chức. Thứ ba, sẽ đẩy mạnh tái cấu trúc công ty chứng khoán với mục tiêu đến ngoài 2015 nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức này. Thứ tư, tái cấu trúc các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký với việc sẽ sáp nhập 2 Sở giao dịch chứng khoán.
- Vấn đề được dư luận rất quan tâm, sáp nhập 2 Sở giao dịch chứng khoán. Vậy, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đang xây dựng quy trình này ra sao để không gây xáo trộn thị trường?
- Chúng tôi đang xây dựng đề án tái cấu trúc Sở giao dịch chứng khoán và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam. Quan điểm của việc sáp nhập này, ban đầu có thể ra một cơ cấu tổ chức, hình thành ban lãnh đạo ở trên. Các phòng, ban hai đầu Hà Nội và TP HCM giữ nguyên, sau đó dịch chuyển dần dần.
- Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn theo xu hướng giảm với cầu yếu và thanh khoản thấp. Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ có những giải pháp gì để hỗ trợ thị trường
- Trong 5 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán đã có sự hồi phục với khoảng 20%, tuy nhiên, hoạt động tương đối cầm chừng, thanh khoản sụt giảm. Mặc dù kinh tế vĩ mô đã có nhiều cải thiện nhưng có thể nói còn rất nhiều khó khăn. Diễn biến thị trường phụ thuộc rất lớn vào thực trạng hoạt động của doanh nghiệp và dòng tiền. Song thực trạng doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là vấn đề hàng tồn kho, nợ xấu… Lãi suất tuy giảm nhưng doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng vẫn khó khăn, tín dụng 6 tháng đầu năm ở mức thấp nên dòng tiền cho thị trường cũng còn những điểm hạn chế.
Bên cạnh đó, tình hình quốc tế cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đầu năm nợ châu Âu rất căng thẳng và đến tháng 6 này tiếp tục căng thẳng. Bên cạnh đó, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng giảm; các chỉ số niềm tin, sản xuất tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều sụt giảm... Diễn biến đó làm dòng tiền có sự điều chỉnh. Dòng tiền đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 6 tháng qua thấp hơn nhiều nếu so với con số của năm 2011.
- Liệu có phải nhiều hàng hóa trên thị trường chứng khoán còn kém chất lượng?
- Tái cấu trúc hàng hóa dựa trên dự thảo nghị định đã trình lên Chính phủ và sẽ được ban hành trong thời gian tới. Chúng tôi đã dự thảo các thông tư hướng dẫn. Với hàng hóa, vấn đề đầu tiên sẽ nâng tiêu chuẩn niêm yết, như nâng tiêu chuẩn thấp nhất hiện nay là 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng tại sàn Hà Nội. Tại sàn TP HCM từ 80 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng; các chỉ tiêu về sinh lời cũng tăng lên...
Mặt khác, để thị trường chứng khoán hấp dẫn, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cổ phần hóa gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán.
(Theo Sài Gòn giải phóng)