Dịch tiêu chảy cuối năm ngoái từng khiến gần 2.000 người phải vào viện. |
Sau hơn nửa tháng Bộ Y tế công bố dịch tiêu chảy cấp chấm dứt, các ca bệnh này đã xuất hiện trở lại, ca đầu tiên được phát hiện ngày 25/12/2007.
Trước tình hình đó, chiều 7/1, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã ký công điện khẩn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, cảnh báo nguy cơ tái phát dịch bệnh này trong Tết Mậu Tý. Để ngăn chặn, Bộ yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (nhất là thức ăn tươi sống, thức ăn đường phố), nước sinh hoạt và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Y tế địa phương phải giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm, khoanh vùng các ca bệnh đầu tiên.
Bộ Y tế đang xem xét việc sử dụng văcxin tả cho một số địa bàn ở Hà Nội. Vấn đề này đã nhiều lần được đặt ra trong đợt dịch trước nhưng chưa được thực hiện bởi văcxin có hiệu lực thấp. Người đã dùng văcxin vẫn có thể nhiễm tả, nhất là khi chủ quan trong ăn uống vì nghĩ mình đã được bảo vệ.
Việc tiêu chảy cấp xuất hiện trở lại đã được các quan chức năng Bộ Y tế cảnh báo từ khi đợt dịch trước còn chưa chấm dứt. Giáo sư Trần Đáng, Cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm, khẳng định mầm bệnh tả tồn tại khá lâu trong môi trường, trong khi những người lành mang bệnh lại không được kiểm soát. Mặt khác, tập quán ăn uống của người dân tuy đã được cải thiện qua trận dịch nhưng vẫn còn mất vệ sinh. Sự phổ biến của món rau sống trong mùa này cũng là một yếu tố khiến dịch dễ tái xuất.
Trong đợt dịch diễn ra từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 12 năm ngoái, đã có khoảng 2.000 người thuộc 134 tỉnh miền Bắc bị tiêu chảy cấp, trong đó gần 300 người được xác định là tả. Hà Nội là địa phương xuất hiện dịch đầu tiên và có đông bệnh nhân nhất.
Hải Hà